Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định còn có ý kiến khác nhau và Bộ Nội vụ đã đăng tải lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ từ ngày 24/2/2020 về một số nội dung liên quan.
Bộ Nội vụ cho biết ngày 25/11/2019, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (Luật số 52/2019/QH14), trong đó tập trung vào một số vấn đề lớn có liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể: sửa đổi, bổ sung Điều 78, Điều 79, Điều 80, Điều 82, Điều 84 Luật Cán bộ, công chức và sửa đổi, bổ sung Điều 53, Điều 56, Điều 60 Luật Viên chức. Theo đó, sửa đổi, bổ sung thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật; bổ sung nội dung xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu nhưng có vi phạm trong quá trình công tác.
Ngoài ra, Khoản 4 Điều 78 Luật Cán bộ, công chức (năm 2010) quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ chủ yếu được thực hiện theo quy định của Đảng mà chưa có quy định xử lý kỷ luật hành chính tương ứng. Điều này gây ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý kỷ luật cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách đang công tác trong các cơ quan nhà nước, không bảo đảm nguyên tắc “kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật” tại Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành các văn bản mới quy định nhiều nội dung liên quan đến công tác cán bộ. Vì vậy, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định liên quan đến kỷ luật cán bộ để phù hợp với các quy định mới của Đảng là cần thiết.
Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm mục đích quy định chi tiết, đầy đủ các nội dung được giao trong Luật số 52/2019/QH14, bảo đảm tiến độ, chất lượng, có hiệu lực thi hành cùng với hiệu lực thi hành của Luật vào ngày 1/7/2020.
Ngoài ra, bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật; bảo đảm khách quan, công bằng; công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật; khả thi, phù hợp với thực tiễn; kế thừa quy định còn phù hợp, bổ sung những nội dung mới, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống văn bản quy định trong lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, thu gọn đầu mối các văn bản quy định trong lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Các hành vi vi phạm và hình thức kỷ luật gồm 3 mục, 12 Điều (từ Điều 7 đến Điều 19) quy định về: các hành vi bị xử lý kỷ luật; các hình thức kỷ luật đối với công chức; áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với công chức; áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với công chức; áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức; áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức; áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức lãnh đạo, quản lý; áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với công chức lãnh đạo, quản lý; các hình thức kỷ luật đối với viên chức; áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức; áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với viên chức; áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với viên chức quản lý; áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức.
Về thẩm quyền và trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật gồm 2 mục, 7 Điều (từ Điều 20 đến Điều 26) quy định về: thẩm quyền xử lý kỷ luật; thông báo xử lý kỷ luật; tổ chức họp kiểm điểm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật; hội đồng kỷ luật; thành phần Hội đồng kỷ luật; tổ chức họp Hội đồng kỷ luật; quyết định kỷ luật.
Về quy định khác liên quan đến kỷ luật gồm 4 Điều (từ điều 27 đến Điều 30) quy định về: các quy định liên quan khi xem xét xử lý kỷ luật; các quy định liên quan đến việc thi hành quyết định kỷ luật; chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật đang trong thời gian tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác và tạm đình chỉ chức vụ; khiếu nại.
Đáng chú ý là Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định áp dụng xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại điểm C, khoản 2 Điều 1 (đối tượng áp dụng); bổ sung nguyên tắc xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện sau khi có quyết định xử lý kỷ luật về Đảng (khoản 10 Điều 2 - Nguyên tắc xử lý kỷ luật); quy định đối với trường hợp này được sử dụng kết luận về hành vi vi phạm mà không phải điều tra, xác minh lại; đồng thời, bổ sung quy định về thẩm quyền tại khoản 5 Điều 20.
Theo dự thảo phương án lựa chọn của Bộ Nội vụ, để bảo đảm nguyên tắc công tác cán bộ là công tác của Đảng thì hầu hết các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp hiện này đều là đảng viên (một số ít chưa là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo trong các đơn vị sự nghiệp công lập). Những sai phạm nghiêm trọng hầu hết đều ở những người đã từng giữ vị trí lãnh đạo và vì vậy, việc giới hạn kỷ luật hành chính sau khi kỷ luật Đảng đối với đối tượng này là cần thiết, bảo đảm tính răn đe và phù hợp với quy định của Đảng…