Bộ Nội vụ cho biết, căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính làm cơ sở pháp lý thực hiện việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, bảo đảm quyền công dân theo quy định của Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật liên quan.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được nêu trên, quá trình triển khai thi hành Nghị định số 54/2018/NĐ-CP đã bộc lộ bất cập, vướng mắc liên quan đến quy định về số lượng người dân là cử tri được lấy ý kiến; đồng thời một số quy định mới được ban hành trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần được cụ thể hóa và quy định thống nhất tại Nghị định của Chính phủ, cụ thể như sau:
- Nghị định số 54/2018/NĐ-CP quy định cử tri được lấy ý kiến là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đăng ký thường trú tại đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính. Trong khi đó, theo sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa thì nhiều đơn vị hành chính ở nước ta hiện nay (như: một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Bình Dương, tỉnh Bắc Ninh,...) có dân số tạm trú chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô dân số địa phương, trong đó nhiều người dân có đăng ký tạm trú thời gian dài, chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp từ việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
- Ngày 10/11/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật này đã quy định mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú (Điều 4) mà không phân biệt thường trú hay tạm trú.
Đồng thời, Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ quy định chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quy định "người thực tế thường xuyên ăn, ở tại hộ tính đến thời điểm thống kê đã được 06 tháng trở lên" được tính vào "nhân khẩu thực tế thường trú" của hộ gia đình (Phụ lục I).
Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2018/NĐ-CP để điều chỉnh phạm vi cử tri được tham gia ý kiến về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là cần thiết nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện tối đa để công dân thực hiện quyền làm chủ, khuyến khích sự tham gia và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân đối với các công việc chung của cộng đồng, làm cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách có tính khả thi, hợp lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Nội dung sửa đổi, bổ sung
Dự thảo Nghị định gồm 04 Điều, trong đó Điều 1 quy định về nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 54/2018/NĐ-CP, Điều 2 quy định chuyển tiếp, Điều 3 và Điều 4 quy định hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 2 Nghị định số 54/2018/NĐ-CP theo hướng bổ sung đối tượng là cử tri được lấy ý kiến bao gồm cả những người đăng ký tạm trú từ 06 tháng trở lên. Việc sửa đổi, bổ sung này căn cứ quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 94/2022/NĐ-CP.
Sửa đổi, bổ sung các khoản 2, 3, 4 Điều 4 Nghị định số 54/2018/NĐ-CP để đồng bộ và phù hợp với khái niệm cử tri đã được sửa đổi, bổ sung.
Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 4 Nghị định số 54/2018/NĐ-CP theo hướng sửa cụm từ "thay đổi nơi cư trú đến đơn vị hành chính khác" thành cụm từ "xóa đăng ký thường trú hoặc xóa đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính" để cập nhật và phù hợp với quy định tại Điều 24 và Điều 29 Luật Cư trú năm 2020.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/de-xuat-bo-sung-doi-tuong-duoc-lay-y-kien-khi-dieu-chinh-dia-gioi-don-vi-hanh-chinh-102230522162031597.htm