Theo dự thảo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm đảm bảo số dư trên tài khoản thanh toán tổng hợp để thực hiện chi trả các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chi thực hiện đầu tư tài chính và các khoản chi khác theo quy định.
Ngoài việc đảm bảo số dư theo quy định trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm bảo đảm thanh khoản trên tài khoản thanh toán tổng hợp với mức tối đa là 1,1 tháng của tổng dự toán chi các chế độ bảo hiểm xã hội (bao gồm cả dự toán chi từ nguồn ngân sách nhà nước), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được giao hàng năm. Số dư trên tài khoản thanh toán tổng hợp trong thời gian tạm thời nhàn rỗi, được gửi tiền kỳ hạn 01 tháng theo phương thức chuyển tiền tự động và được rút tại bất kỳ thời điểm nào phát sinh nhu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Trường hợp phát sinh nhu cầu chi đột xuất được cấp có thẩm quyền quyết định mà mức bảo đảm thanh khoản quy định không đảm bảo nguồn để chi trả, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, quyết định số tiền bảo đảm thanh khoản cao hơn để đảm bảo nguồn chi trả đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi theo quy định.
Chuyển kinh phí chi trả chế độ trước ngày 25 hằng tháng
Dự thảo nêu rõ, trước ngày 25 hằng tháng, Bộ Tài chính chuyển kinh phí chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ nguồn ngân sách trung ương bằng mức chi bình quân một tháng của dự toán được cấp có thẩm quyền giao trong năm (trong đó có chi phí chi trả) vào quỹ bảo hiểm xã hội để Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện chi trả cho người thụ hưởng trong tháng tiếp theo.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm chuyển đủ và kịp thời nhu cầu kinh phí cho các đơn vị trực thuộc, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tạm ứng, thanh toán, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người thụ hưởng và chi phí quản lý trong phạm vi dự toán được giao như sau:
Chuyển định kỳ hằng tháng để chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Mức kinh phí chuyển do Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định trên cơ sở nhu cầu chi trả của tháng kế hoạch và số kinh phí còn dư trên tài khoản chi trả các chế độ của đơn vị. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định thời gian chuyển và chi trả chế độ đảm bảo kịp thời cho người thụ hưởng.
Đối với Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân chuyển định kỳ hằng quý trước ngày 25 tháng cuối quý trước. Kinh phí chuyển bằng bình quân dự toán quý được giao. Trường hợp mức chi trong quý thay đổi, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam để cấp kinh phí chi trả chế độ kịp thời. Kinh phí cuối năm còn dư Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân chuyển trả về Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Trường hợp thời gian chi trả gần ngày Tết Nguyên đán và trong thời gian xảy ra thiên tai, dịch bệnh, hoặc vì lý do bất khả kháng theo công bố của cấp có thẩm quyền, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, quyết định mức chuyển kinh phí để chi trả gộp 2 tháng cho người hưởng.
Chuyển kinh phí chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Mức chuyển, thời gian chuyển thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Chuyển chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (không bao gồm chi ứng dụng công nghệ thông tin, chi đầu tư phát triển và các nội dung chi thực hiện tập trung tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp theo tiến độ thực hiện) cho các đơn vị trực thuộc hằng tháng và bằng bình quân một tháng của dự toán được giao hằng năm trước ngày 10 hằng tháng; đối với Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân và các đơn vị trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hằng quý và bằng bình quân một quý của dự toán được giao hằng năm trước ngày 10 của tháng đầu tiên trong quý.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/de-xuat-co-che-quan-ly-tai-chinh-ve-bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-y-te-102231107103313913.htm