
Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật các Tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (Luật các TCTD năm 2024). Sự ra đời của Luật các TCTD năm 2024 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra cơ sở pháp lý cho các nghiệp vụ liên quan đến thư tín dụng, bao thanh toán,... Trong bối cảnh hội nhập tài chính quốc tế, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam phát sinh ngày càng nhiều quan hệ hợp tác với các định chế tài chính quốc tế; theo đó, làm phát sinh hoạt động cấp tín dụng cho định chế tài chính quốc tế là người không cư trú (cấp tín dụng ra nước ngoài) của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, với yêu cầu giám sát chặt chẽ dòng vốn vào - ra khỏi lãnh thổ, đồng thời, có căn cứ để thu thập số liệu thống kê các hạng mục trên cán cân thanh toán, xây dựng báo cáo vị thế đầu tư quốc tế của Việt Nam theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện pháp lệnh ngoại hối cần được bổ sung hướng dẫn đầy đủ các nghiệp vụ cấp tín dụng được quy định tại Luật các TCTD để đảm bảo phản ánh đầy đủ giao dịch chuyển vốn giữa người cư trú và người không cư trú.
Xuất phát từ lý do trên, việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư 45/2011/TT-NHNN là cần thiết để kiện toàn đầy đủ khung pháp lý quản lý giao dịch chuyển vốn giữa TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với khách hàng là người không cư trú trong các giao dịch cho vay, cấp tín dụng dưới hình thức bao thanh toán, các nghiệp vụ thư tín dụng, bảo lãnh và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác; góp phần tăng cường năng lực thống kê đối với khu vực kinh tế đối ngoại.
Quản lý ngoại hối đối với việc cho vay ra nước ngoài
Theo dự thảo Thông tư, bên vay nước ngoài là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động ở nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư hoặc dưới hình thức đầu tư khác quy định điểm đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư; doanh nghiệp được thành lập và hoạt động ở nước ngoài do doanh nghiệp thuộc đối tượng trên nắm cổ phần, phần vốn góp chi phối.
Định chế tài chính nước ngoài đang có quan hệ đại lý thanh, quyết toán với bên cho vay và khoản cho vay nhằm mục đích thực hiện cam kết thanh, quyết toán trên lãnh thổ Việt Nam theo thỏa thuận giữa các bên.
Chính phủ, cơ quan đại diện Chính phủ của quốc gia có quan hệ ngoại giao với Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của nhà nước, Chính phủ và các tổ chức được nhà nước, Chính phủ ủy quyền đã được Chính phủ quyết định theo quy định của pháp luật.
Về tỷ lệ đảm bảo an toàn, giới hạn cấp tín dụng, dự thảo Thông tư nêu rõ: Bên cho vay phải tuân thủ các quy định của pháp luật về các tỷ lệ bảo đảm an toàn, giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng (bên vay nước ngoài) theo quy định tại Luật Các TCTD tại các thời điểm cuối của 3 tháng gần nhất trước ngày ký thỏa thuận cho vay ra nước ngoài, thỏa thuận thay đổi tăng giá trị khoản cho vay ra nước ngoài đến kỳ báo cáo gần nhất trước thời điểm gửi đầy đủ hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính theo quy định.
Theo dự thảo, việc cho vay ra nước ngoài của TCTD thực hiện bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ theo thỏa thuận các bên. Đồng tiền thu hồi nợ của khoản cho vay ra nước ngoài là đồng tiền giải ngân của khoản cho vay. Việc thu hồi nợ bằng đồng tiền khác với đồng tiền giải ngân thực hiện theo thỏa thuận giữa bên cho vay và bên vay nước ngoài.
Thu hồi nợ nước ngoài
Dự thảo Thông tư đề xuất quy định rõ việc thu hồi nợ nước ngoài bao gồm: Các khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cấp tín dụng ngắn hạn cho người không cư trú thông qua nghiệp vụ bao thanh toán, thương lượng thư tín dụng, hoàn trả thư tín dụng; nợ nước ngoài bắt buộc phát sinh từ các nghiệp vụ phát hành, xác nhận thư tín dụng, bảo lãnh ngân hàng và thu hồi nợ nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ cấp tín dụng khác cho người không cư trú.
Đối với các khoản thu hồi nợ nước ngoài, dự thảo Thông tư được xây dựng theo hướng không quy định thủ tục hành chính đăng ký đối với các khoản thu hồi nợ nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ Thư tín dụng, bao thanh toán, bảo lãnh.
Việc thu hồi nợ là yêu cầu bắt buộc của TCTD khi TCTD đã trả thay trong các nghiệp vụ thư tín dụng (phát hành, xác nhận) và bảo lãnh; đối với các khoản thu hồi nợ không phải là khoản trả thay nêu trên, thời hạn thực hiện nghiệp vụ là ngắn hạn. Do đó, trường hợp yêu cầu TCTD phải đăng ký thì có thể TCTD không kịp thu hồi nợ từ nước ngoài do chưa được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký. Việc này có thể gây khó khăn, chậm trễ trong việc thu hồi nợ, do đó, dự thảo Thông tư không quy định thủ tục hành chính đăng ký thu hồi nợ nước ngoài.
Về hình thức thu hồi nợ nước ngoài, dự thảo Thông tư nêu rõ, bên thu hồi nợ thực hiện việc thu hồi nợ thông qua các hình thức: Thu hồi nợ trực tiếp từ tài khoản của bên có nghĩa vụ trả nợ hoặc tổ chức kế thừa nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật có liên quan và thỏa thuận của các bên; thu hồi nợ thông qua việc xử lý tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ trả nợ; thu hồi nợ thông qua việc bên bảo lãnh trả thay cho bên có nghĩa vụ trả nợ.
Theo Báo Chính phủ