
Bộ Tài chính cho biết đã nhận được công văn số 7577/BTNMT-KHTC ngày 30/10/2024 và công văn số 232/BTNMT-TNN ngày 09/01/2025 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) về sửa đổi Thông tư số 01/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng nguồn nước do cơ quan trung ương thực hiện để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với pháp luật tài nguyên nước, phù hợp tình hình thực tế hiện nay.
Danh mục công việc thu phí
Tại Biểu mức phí tại Thông tư số 01/2022/TT-BTC quy định 01 khoản phi: Phí khai thác, sử dụng nguồn nước, trong đó có 8 công việc thu phí.
Căn cứ Luật tài nguyên nước 2023 và các văn bản hướng dẫn, trên cơ sở đề xuất của Bộ NNMT, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung công việc thu phí tại Biểu mức thu phí như sau:
Giữ nguyên 4 công việc: (i) Thẩm định đề án thăm dò nước dưới đất; (ii) Thẩm định báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất; (iii) Thẩm định báo cáo hiện trạng khai thác nước dưới đất; (iv) Thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn.
Điều chỉnh 02 công việc do điều chỉnh đối tượng cấp phép, quy mô khai thác của công trình thuộc thẩm quyền cấp phép do cơ quan trung ương thực hiện theo quy định tại Nghị định 54/2024/NĐ-CP gồm: (i) Thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt; (ii) Thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước biển.
Điều chỉnh 01 công việc do không còn trường hợp thẩm định đề án, báo cáo cho cấp lại do chuyển nhượng giấy phép và thực tế triển khai thực hiện có việc thẩm định đề án, báo cáo đối với trường hợp đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép khai nước biển: Thẩm định đề án, báo cáo đối với trường hợp đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác nước dưới đất, nước mặt, nước biển.
Điều chỉnh 01 công việc do không còn thẩm định điều chỉnh giấy phép hành nghề kho nước dưới đất: Thẩm định hồ sơ, điều kiện trong trường hợp gia hạn giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.
Điều chỉnh tăng mức thu 6 công việc (từ 40%-102%)
Về biểu mức thu phí, căn cứ Luật Phí và lệ phí, trên cơ sở đề xuất của Bộ NNMT, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung biểu mức thu phí như sau:
Điều chỉnh tăng mức thu 6 công việc (từ 40%-102%): Thẩm định đề án thăm dò nước dưới đất; thẩm định báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất; thẩm định báo cáo hiện trạng khai thác nước dưới đất; thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn; thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt; thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước biển.
Theo đánh giá của Bộ NNMT thì việc đề xuất điều chỉnh tăng mức thu phí nêu trên có một số tác động như sau:
Về tác động đến doanh nghiệp: Việc tổ chức, cá nhân nộp phí thẩm định là tất yếu khi cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công cho các tổ chức, cá nhân đó và có nghĩa vụ bù đắp lại chi phí mà cơ quan nhà nước đã thực hiện dịch vụ công đó. Phí thẩm định chiếm tỷ trọng nhỏ và rất nhỏ trong chi phí của tổ chức cá nhân có hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước.
Theo thống kê, một doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện 2MW với tổng chi phí đầu tư trung bình là 50-60 tỷ đồng (trung bình 1 công trình thủy điện vừa và nhỏ có suất đầu tư khoảng 25-30 tỷ đồng/1MW), phí thẩm định cấp phép tài nguyên nước nếu được điều chỉnh khoảng 25 triệu đồng (mức thu hiện hành là 12,8 triệu).
Về chi phí tuân thủ mà doanh nghiệp phải chi ra để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, theo Ngân hàng Thế giới, chi phí tuân thủ pháp luật bình quân cho doanh nghiệp ở Việt Nam chiếm 20-30% lợi nhuận. Trong các lĩnh vực liên quan hiện nay thì: phí thẩm định cấp mới giấy phép môi trường: 45-50 triệu đồng (Thông tư số 02/2022/TT-BTC ngày 10/01/2022); phí cấp phép khai thác khoáng sản: 01-100 triệu đồng (Thông tư số 10/2024/TT-BTC ngày 05/02/2024). Mức phí cấp mới của lĩnh vực tài nguyên nước mới nếu được điều chỉnh: 15-58 triệu đồng. Vì vậy, đây là mức thu phù hợp với các công việc thẩm định hồ sơ cấp phép tương tự hiện hành của các lĩnh vực liên quan.
Như vậy, khi được cấp giấy phép (Giấy phép thăm dò nước dưới đất; Giấy phép khai thác tài nguyên nước; Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất) thì chủ giấy phép chỉ phải chi trả 01 lần mức phí này cho cả thời gian hiệu lực của giấy phép (trung bình từ 5-15 năm) nên chi phí này rất nhỏ so với chi phí đầu tư hay lợi nhuận của đơn vị có được khi khai thác tài nguyên nước. Theo đó, nếu việc điều chỉnh mức thu tăng từ 40 - 102%, tương ứng với mức thu là 15-58 triệu đồng, tác động không đáng kể đến doanh nghiệp, doanh nghiệp có khả năng chi trả và sẵn sàng chi trả để đảm bảo cho việc tuân thủ pháp luật của mình.
Tác động đến NSNN: Với mức thu phí đề xuất điều chỉnh tăng từ 40 - 102% so với mức thu của Thông tư số 01/2022/TT-BTC và tỷ lệ nộp vào NSNN là 30% thì số tiền thu nộp vào NSNN cơ bản sẽ cao hơn mức thu nộp vào NSNN hiện hành tại Thông tư số 01/2022/TT-BTC, do đó sẽ tác động tích cực đến nguồn thu NSNN.
Theo Báo Chính phủ