Vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Theo đó, trong giai đoạn từ 2015 - 2023, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đến giai đoạn 2023 - 2024, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều dự thảo luật quan trọng liên quan đến quản lý thị trường bất động sản như Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Đất đai năm 2024. Chính phủ, các Bộ, ngành đã kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết các Luật; các địa phương cũng đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện theo thẩm quyền.
Ngoài ra, Quốc hội và Chính phủ đang xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều luật khác có liên quan đến thị trường bất động sản như quy hoạch đô thị và nông thôn, đầu tư, địa chất và khoáng sản… Một số tồn tại, khó khăn đã được nhìn nhận, nhiều kiến nghị đã được tiếp thu để nghiên cứu, quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật mới trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản cũng không tránh khỏi một số khó khăn, vướng mắc.
Trong giai đoạn 2015 - 2021, thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ nhưng mất cân đối cung - cầu. Tình trạng này diễn ra chủ yếu do nguồn cung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và cho mục tiêu đầu tư tài chính, chưa phù hợp với nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân. Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, giá thành cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp.
Giai đoạn 2022 - 2023, nguồn cung bất động sản giảm mạnh so với giai đoạn trước. Hơn nữa, giá bất động sản tăng cao gấp nhiều lần so với mức thu nhập trung bình của đa số người dân.
Số lượng lớn dự án nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ, bị đình trệ, gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn, làm gia tăng chi phí cho chủ đầu tư, tăng giá bán sản phẩm. Nhiều loại hình bất động sản du lịch, lưu trú bị “chững” lại, tiếp tục gặp vướng mắc về pháp lý.
Để giải quyết tình trạng đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” và giao Chính phủ thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền được giao đối với các luật mới ban hành có liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Chính phủ cần sớm đưa ra phương án giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ...; không "hình sự hóa" các quan hệ kinh tế - dân sự; làm rõ nội hàm "không hợp thức hóa các vi phạm".
Quốc hội giao Chính phủ thực hiện giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" bảo đảm tiến độ, chất lượng và phù hợp với nhu cầu, điều kiện làm việc, sinh sống của đối tượng thụ hưởng.
Cần có giải pháp thiết thực để cải tạo chung cư cũ xuống cấp; rà soát các công trình, dự án nhà ở phục vụ tái định cư, có giải pháp phù hợp để sớm khắc phục tình trạng chậm đưa vào sử dụng, tránh lãng phí.
Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có biện pháp điều tiết để đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời có giải pháp căn cơ, dài hạn để đưa giá bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo "sốt" giá.
Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp đất đã được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, không sử dụng, sử dụng lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích, trái pháp luật, chủ đầu tư năng lực yếu kém, không có khả năng hoàn thành.
Quốc hội giao Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết này trong Quý I/2025, trong đó xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, tiến độ và bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ; gửi kế hoạch cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để giám sát.