Theo dự thảo, mục đích kiểm tra nhằm đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của tổ chức tín dụng; duy trì và nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.
Nguyên tắc kiểm tra
Dự thảo nêu rõ, công tác kiểm tra được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và trên cơ sở quy định pháp luật. Công tác kiểm tra được tiến hành thường xuyên theo kế hoạch hoặc đột xuất và được người ra quyết định kiểm tra phê duyệt.
Bảo đảm khách quan, trung thực, công khai, kịp thời, sự phối hợp hiệu quả, không chồng chéo, trùng lặp giữa các đơn vị kiểm tra.
Việc kiểm tra của các đơn vị kiểm tra không làm cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng kiểm tra.
Hình thức kiểm tra
Căn cứ nội dung, mục đích kiểm tra, việc kiểm tra có thể thực hiện bằng một hoặc các hình thức sau đây:
1- Yêu cầu đối tượng kiểm tra báo cáo:
Đơn vị kiểm tra có văn bản yêu cầu đối tượng kiểm tra báo cáo, trong đó nêu rõ nội dung báo cáo và thời hạn gửi báo cáo.
2- Làm việc với đối tượng kiểm tra:
a) Đơn vị kiểm tra xây dựng nội dung, kế hoạch kiểm tra để làm việc với đối tượng kiểm tra;
b) Đơn vị kiểm tra có văn bản đề nghị làm việc với đối tượng kiểm tra, trong đó nêu rõ nội dung kiểm tra, thời gian kiểm tra, địa điểm kiểm tra.
Trường hợp đơn vị kiểm tra làm việc trực tiếp tại trụ sở của đối tượng kiểm tra, đơn vị kiểm tra phải có Quyết định kiểm tra, Kế hoạch kiểm tra được người ra quyết định kiểm tra phê duyệt, ban hành. Tùy thuộc vào quy mô, tính chất, nội dung, phạm vi của cuộc kiểm tra, đơn vị kiểm tra thành lập tổ kiểm tra hoặc đoàn kiểm tra (đoàn kiểm tra), có tối thiểu là hai người và trong đó có một người là trưởng đoàn.
Đơn vị kiểm tra căn cứ tình hình hoạt động của đối tượng kiểm tra và yêu cầu của cuộc kiểm tra để có hình thức yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp trước các hồ sơ, thông tin, tài liệu liên quan, làm cơ sở để xây dựng, phê duyệt, ban hành Kế hoạch kiểm tra cho từng cuộc kiểm tra cụ thể, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn.
3- Hình thức kiểm tra khác theo quy định của pháp luật.
Thời hạn kiểm tra tối đa là 05 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu kiểm tra. Đối với các nội dung kiểm tra phức tạp, phạm vi kiểm tra rộng thì thời hạn kiểm tra tối đa là 10 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu kiểm tra.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-kiem-tra-cua-nhnn-doi-voi-doi-tuong-thanh-tra-giam-sat-ngan-hang-102230531150834025.htm