
Tăng cường hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến; giảm hình thức đào tạo trực tiếp
Dự thảo nêu rõ nguyên tắc sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC.
Theo đó, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên hàng năm cho CBCC thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp tại cơ sở và cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo khác) các nội dung: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm; kiến thức khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, công nghệ số.
a) Cán bộ trong các cơ quan nhà nước;
b) Công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh;
c) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sỹ, công nhân, viên chức trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;
d) Những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố;
đ) Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập;
Các đối tượng tại điểm a, b, c, d nêu trên được gọi chung là cán bộ, công chức (CBCC); các đối tượng tại điểm đ nêu trên gọi chung là viên chức.
Căn cứ đối tượng, điều kiện cử CBCC đi đào tạo sau đại học theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 171/2025/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2025 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức; căn cứ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được phân bổ và các nguồn kinh phí khác, các cơ quan, đơn vị quyết định việc hỗ trợ một phần chi phí (học phí, mua giáo trình) cho đối tượng CBCC được cấp có thẩm quyền có quyết định cử đi đào tạo.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được sử dụng để chi các hoạt động trực tiếp phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng CBCC tại các cơ quan, đơn vị.
Không sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để chi: Hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương; chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Kinh phí hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC do các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương bảo đảm từ nguồn kinh phí thường xuyên được giao hàng năm.
Trường hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện đấu thầu, đặt hàng dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Tăng cường hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến; giảm hình thức đào tạo trực tiếp. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng quyết định hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
Chi thù lao giảng viên, báo cáo viên tối đa 3.000.000 đồng/người/buổi
Về nội dung và mức chi đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức, dự thảo nêu rõ quy định về nội dung và mức chi đào tạo CBCC trong nước; nội dung và mức chi bồi dưỡng CBCC trong nước; nội dung và mức chi đào tạo, bồi dưỡng CBCC ở nước ngoài; nội dung và mức chi đào tạo, bồi dưỡng viên chức…
Trong đó, hướng dẫn nội dung và mức chi bồi dưỡng CBCC trong nước, dự thảo nêu rõ quy định chi thù lao giảng viên, báo cáo viên tối đa: 3.000.000 đồng/người/buổi (một buổi giảng được tính bằng 4 tiết học). Dự thảo nêu rõ, tùy theo đối tượng, trình độ học viên, căn cứ yêu cầu chất lượng khóa bồi dưỡng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức các khóa bồi dưỡng CBCC quyết định mức chi thù lao cho giảng viên, trợ giảng (nếu có), báo cáo viên trong nước (bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng) trên cơ sở thỏa thuận theo hình thức hợp đồng công việc phù hợp với chất lượng, trình độ của giảng viên, báo cáo viên trong phạm vi dự toán được giao.
Chi số hóa tài liệu phục vụ bồi dưỡng trực tuyến
Cũng về nội dung và mức chi bồi dưỡng CBCC trong nước, tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất hướng dẫn chi số hóa tài liệu phục vụ bồi dưỡng trực tuyến như sau:
Các khoản tiền công: Xây dựng kịch bản dạy học (chuỗi các hoạt động dạy học) của bài học; xây dựng nội dung chi tiết của bài học (từng hoạt động) theo kịch bản dạy học (sản phẩm bao gồm nội dung các hoạt động dạng text và các chỉ dẫn/cài đặt để sử dụng các tư liệu trong từng hoạt động, chưa bao gồm các tài liệu đa phương tiện (multimedia) như hình ảnh, âm thanh, phương tiện điện tử ghi, sao chép (video), đồ họa (infographics)...); chuyên gia/giáo viên ghi hình (nghiên cứu kịch bản và nội dung tiết học; phối hợp với kĩ thuật viên video để chuẩn bị; phối hợp ghi hình); xây dựng bản yêu cầu/hướng dẫn biên tập video (hậu kỳ, thời lượng video tối đa 90 phút); thống kê và xử lý cơ bản dữ liệu kết quả của khóa bồi dưỡng (danh sách điểm, phân nhóm đối tượng, phổ điểm, tỷ lệ - tối thiểu cho 250 học viên): Áp dụng theo quy định tại Thông tư số 04/2025/TT-BNV ngày 07 tháng 5 năm 2025 của Bộ Nội vụ quy định mức lương của chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở cho việc xác định giá gói thầu. Căn cứ vào khả năng kinh phí, vai trò, nhiệm vụ, yêu cầu về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác của từng cá nhân trong việc thực hiện các nhiệm vụ; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức tiền công cụ thể cho từng cá nhân.
Chi phí quay video bài giảng (thời lượng tối đa của video không quá 90 phút; giá bao gồm công kỹ thuật viên và thiết bị; chưa bao gồm phí di chuyển, lưu trú, ăn uống của kỹ thuật viên (01-02 người)): Áp dụng theo quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình.
Chi biên tập video (cắt/ghép video theo yêu cầu của chuyên gia; chuyển đổi định dạng, độ phân giải, làm việc theo chỉ đạo của chuyên gia): Áp dụng theo quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT.
Chi nhập liệu nội dung dạng văn bản (bao gồm chèn ảnh có sẵn); chi số hóa câu hỏi vào hệ thống học tập trực tuyến gắn với hoạt động học (dữ liệu có cấu trúc; yêu cầu bản ghi (file) câu hỏi, trong đó nêu rõ đáp án); chi số hóa nội dung văn bản vào hệ thống quản lý học tập; chi phí gia công bài giảng điện tử tương tác: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Các khoản chi phí theo thực tế (thuê địa điểm/lớp học để ghi hình/quay video; Chi thiết kế tiêu đề (banner) đặt trên trang mạng (website); xây dựng đồ họa (infographic)): Thực hiện theo quy định tại điểm k khoản 2 Điều 4 Thông tư này.
Theo Báo Chính phủ