Dự thảo quy định rõ về tổ chức thực hiện bình ổn giá theo khoản 1 Điều 20 Luật Giá. Theo đó, Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có văn bản đề nghị bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương bình ổn giá theo nội dung và trình tự sau:
Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá khi đánh giá thấy mức độ biến động bất thường của hàng hóa, dịch vụ và cần thiết phải bình ổn giá thì tiến hành xây dựng báo cáo bình ổn giá gồm các thông tin sau: căn cứ pháp lý, sự cần thiết phải thực hiện bình ổn giá (trong đó phân tích diễn biến và nguyên nhân mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp so với mặt bằng giá thị trường của một thời kỳ nhất định trước đó, tình hình cung cầu của hàng hóa, dịch vụ trong nước, thế giới, các yếu tố tác động từ thị trường trong nước, thế giới, dự báo và các thông tin cần thiết khác (nếu có), đề xuất thực hiện bình ổn giá và gửi Bộ Tài chính tổng hợp.
Trên cơ sở đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương bình ổn giá. Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo các thông tin khác phục vụ cho việc tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương bình ổn giá.
Chính phủ quyết định chủ trương bình ổn giá
Theo dự thảo, Chính phủ quyết định chủ trương bình ổn giá, phân công trách nhiệm chủ trì cho Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, phân công trách nhiệm phối hợp cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan.
Trên cơ sở chủ trương bình ổn giá của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm chủ trì triển khai, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện một hoặc một số phương thức sau để xác định nguyên nhân biến động giá, làm cơ sở cho việc lựa chọn áp dụng biện pháp, thời hạn và phạm vi bình ổn giá phù hợp cụ thể như sau:
a) Kiểm tra yếu tố hình thành giá thực hiện theo quy định tại Điều 31, Điều 32, Điều 33 Luật Giá hoặc yêu cầu doanh nghiệp báo cáo một số yếu tố hình thành giá.
b) Kiểm soát hàng hóa tồn kho của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.
c) Đánh giá cung cầu hàng hóa, dịch vụ: đánh giá thực trạng cung cầu thị trường và phân tích nguyên nhân gây mất cân đối cung cầu hàng hóa nếu có.
Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành Quyết định bình ổn giá gồm các nội dung sau:
a) Tên hàng hóa, dịch vụ được Chính phủ phê duyệt chủ trương bình ổn giá;
b) Biện pháp bình ổn giá áp dụng theo quy định tại Điều 19 Luật Giá;
c) Thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá.
d) Phạm vi áp dụng bình ổn giá;
đ) Phân công trách nhiệm triển khai và báo cáo kết quả thực hiện bình ổn giá cho địa phương và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan;
Trường hợp có thể kết thúc bình ổn giá trước thời hạn hoặc gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá thì các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực quyết định căn cứ tình hình thực hiện, đánh giá diễn biến giá hàng hóa, dịch vụ trong thực tế.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm chấp hành biện pháp bình ổn giá được công bố và thực hiện kê khai lần đầu, kê khai lại giá theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-ve-thuc-hien-binh-on-gia-10224012314342774.htm