Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, quá trình triển khai thi hành Luật Khoa học và công nghệ 2013 cho thấy pháp luật hiện hành có một số nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn nhằm phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là:
Thứ nhất, nền kinh tế nước ta đang chuyển đổi mạnh mẽ sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với mô hình tăng trưởng dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao và yếu tố động lực của KH,CN&ĐMST ngày càng rõ nét đòi hỏi nhà nước cần có các cơ chế, chính sách phục vụ cho mục đích này. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định đủ cơ chế thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho KH,CN&ĐMST.
Thứ hai, các tác động của hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam trong một thế giới phát triển mạnh mẽ, đột biến, nhất là về KH,CN&ĐMST đòi hỏi các hành lang pháp lý; cơ chế chính sách phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba, các làn sóng công nghệ mới phát triển nhanh chóng, mãnh liệt đòi hỏi Chính phủ các nước phải luôn sẵn sàng điều chỉnh chính sách và thích ứng kịp thời.
Thứ tư, nhiều nội dung xuất phát từ tình hình thực tiễn hoặc là thông lệ quốc tế trong hoạt động KH&CN chưa được bổ sung, cập nhật vào Luật KH&CN 2013 như: Triển khai nhiệm vụ KH&CN trong tình huống đột xuất, khẩn cấp, liên quan tới an toàn, an ninh quốc gia; sức khỏe, tính mạng của người dân; các thảm họa thiên nhiên đe dọa môi trường sống của con người, các loài động, thực vật và hệ sinh thái...
Thứ năm, những quy định chưa phù hợp trong Luật KH&CN 2013 như: Vấn đề giao quyền sở hữu kết quả KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì theo cơ chế tự động; vấn đề tập trung nguồn lực chủ yếu cho các chương trình KH&CN để tạo ra tri thức nhưng chưa quan tâm bố trí đủ nguồn lực thỏa đáng cho các chương trình ứng dụng tri thức...
Từ thực tiễn cũng như các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật KH&CN 2013, Bộ KH&CN nhận thấy cần nghiên cứu và sửa đổi toàn diện Luật KH&CN.
Đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Mục đích xây dựng Luật KH,CN&ĐMST để tác động một cách tích cực, hiệu lực và hiệu quả tới các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ theo cách tiếp cận toàn diện của hệ thống ĐMST quốc gia, thúc đẩy cả ba chức năng tạo ra tri thức, ứng dụng tri thức và truyền bá tri thức mạnh mẽ hơn trong đời sống xã hội và đóng góp cho nhân loại.
Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa KH,CN&ĐMST thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt mục tiêu kép của quốc gia vào năm 2030 và 2045 như Đại hội XIII đã đề ra.
Xây dựng Luật KH,CN&ĐMST trên quan điểm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH,CN&ĐMST; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST. Đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, nhất là trong hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao tính minh bạch, đạo đức và liêm chính trong hoạt động KH&CN.
Kế thừa các quy định của Luật KH&CN 2013 còn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn phát triển KH&CN của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Ban hành các chính sách mới thông qua các quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý để phát triển nhanh, bền vững KH&CN, bắt kịp với sự phát triển KH&CN của thế giới.
Mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bố cục của Luật KH,CN&ĐMST
Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST gồm 14 chương và 146 điều, cụ thể như sau:
Chương I. Quy định chung, gồm 15 điều (từ Điều 1 đến Điều 15).
Chương II. Tổ chức khoa học và công nghệ, gồm 22 điều (từ Điều 16 đến Điều 37).
Chương III. Nhân lực hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, gồm 11 điều (từ Điều 38 đến Điều 48).
Chương IV. Đầu tư và tài chính phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, gồm 19 điều (từ Điều 49 đến Điều 67).
Chương V. Hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gồm 03 điều (Điều 68 và Điều 70).
Chương VI. Thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, gồm 04 điều (từ Điều 71 đến Điều 74).
Chương VII. Tổ chức thực hiện chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, gồm 27 điều (từ Điều 75 đến Điều 101).
Chương VIII. Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, gồm 08 điều (từ Điều 102 đến Điều 109).
Chương IX. Thúc đẩy thương mại hóa kết quả KH&CN và phát triển thị trường khoa học và công nghệ, gồm 08 điều (từ Điều 110 đến Điều 117).
Chương X. Chính sách về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, gồm 08 điều (từ Điều 118 đến Điều 125).
Chương XI. Phổ biến, lan tỏa tri thức KH,CN&ĐMST, gồm 10 điều (từ Điều 126 đến Điều 135).
Chương XII. Hợp tác và hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST, gồm 03 điều (từ Điều 136 đến Điều 138).
Chương XIII. Trách nhiệm quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, gồm 04 điều (Điều 139 đến Điều 142).
Chương XIV. Điều khoản thi hành, gồm 04 điều (Điều 143 đến Điều 146).
Theo Báo Chính phủ