Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, là một công dân rất yêu ngành Luật, tác giả bài viết này đã đề xuất một số ý tưởng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong thời đại 4.0.
Đầu tiên là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Hội, như về nền tảng trực tuyến:
Hội Luật gia Việt Nam có thể xây dựng một "Cổng thông tin pháp luật trực tuyến" tích hợp các chức năng:
Thư viện pháp luật số: Cập nhật đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật mới nhất, được phân loại theo lĩnh vực, có chức năng tìm kiếm thông minh.
Diễn đàn pháp luật: Tạo không gian cho luật gia, chuyên gia, người dân trao đổi, thảo luận về các vấn đề pháp lý.
Hệ thống tư vấn pháp luật trực tuyến: Người dân có thể đặt câu hỏi pháp lý và nhận được tư vấn từ các luật gia qua video call, chat hoặc email.
Lịch sự kiện pháp lý: Cập nhật thông tin về các hội thảo, tọa đàm, lớp tập huấn pháp luật trên cả nước.

Ứng dụng di động "Luật gia Việt Nam": Cho phép người dân tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, đặt lịch hẹn tư vấn pháp luật, nhận thông báo về các thay đổi pháp luật quan trọng.
Ví dụ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và chatbot, có thể xây dựng chatbot "Trợ lý pháp lý ảo" trên website và ứng dụng di động của Hội, có khả năng trả lời các câu hỏi pháp lý đơn giản như: "Điều kiện để kết hôn?", "Thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng?", "Quyền lợi của người lao động khi bị sa thải?".
Sử dụng AI để phân tích dữ liệu các vụ án, đưa ra các dự báo về xu hướng tranh chấp pháp lý, giúp các luật gia có thêm thông tin.
Hai là, nâng cao năng lực cho đội ngũ luật gia, có thể có các khóa đào tạo trực tuyến.
Tổ chức các khoá học trực tuyến "Pháp luật về thương mại điện tử" với các chuyên đề như: Hợp đồng điện tử, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, Giải quyết tranh chấp trực tuyến. Mời các chuyên gia hàng đầu về luật công nghệ thông tin, các luật sư có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy.
Ngoài ra, xây dựng nền tảng "Mạng lưới luật gia Việt Nam" với các chức năng: Hồ sơ luật gia: Cho phép các luật gia tạo hồ sơ cá nhân, chia sẻ thông tin về kinh nghiệm, chuyên môn.
Nhóm chuyên môn: Tạo các nhóm thảo luận theo lĩnh vực pháp luật, cho phép các luật gia trao đổi, chia sẻ tài liệu, kinh nghiệm.
Hệ thống tìm kiếm luật gia: Giúp người dân tìm kiếm luật gia phù hợp với nhu cầu của mình.
Khuyến khích hội viên tham gia nghiên cứu khoa học pháp lý, đặc biệt là các đề tài liên quan đến pháp luật công nghệ thông tin, pháp luật kinh tế số.
Tổ chức các cuộc thi, giải thưởng nghiên cứu khoa học pháp lý, tạo động lực cho hội viên tham gia nghiên cứu.

Ba là, mở rộng hợp tác quốc tế như: Tăng cường hợp tác với các tổ chức luật gia quốc tế, tham gia các diễn đàn, hội nghị quốc tế về pháp luật, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi mô hình hay.
Mời các chuyên gia quốc tế đến Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn; phát triển các chương trình hợp tác quốc tế:
Phát triển các chương trình hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học pháp lý, đào tạo luật gia, tư vấn pháp luật.
Đồng thời, tạo điều kiện cho hội viên tham gia các chương trình trao đổi, học tập ở nước ngoài như: Phối hợp với Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA) tổ chức chương trình trao đổi luật gia trẻ, giúp các luật gia Việt Nam có cơ hội học tập, làm việc tại các văn phòng luật sư quốc tế; tham gia dự án "Hỗ trợ tư pháp số" của Liên Hợp Quốc, học hỏi kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp.
Bốn là, đổi mới phương thức hoạt động của Hội, trong đó chú trọng tăng cường hoạt động hướng về cơ sở.
Tổ chức các buổi tư vấn pháp luật lưu động, các lớp tập huấn pháp luật cho cán bộ cơ sở, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, để triển khai các hoạt động pháp luật ở cơ sở.
Phát triển các mô hình tư vấn pháp luật chuyên sâu về các lĩnh vực như: pháp luật môi trường, pháp luật lao động, pháp luật doanh nghiệp.
Thành lập các trung tâm tư vấn pháp luật chuyên sâu, cung cấp dịch vụ pháp lý cho các đối tượng đặc thù.
Ngoài ra, Hội Luật gia Việt Nam cần tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật với việc sử dụng các kênh truyền thông đa dạng như: báo chí, truyền hình, mạng xã hội; cùng với đó, phát triển các sản phẩm truyền thông pháp luật sáng tạo, hấp dẫn, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng.
Sản xuất các video ngắn, infographic, podcast về các chủ đề pháp luật gần gũi với đời sống, đăng tải trên mạng xã hội, YouTube.
Hoặc tổ chức các cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật trực tuyến" với các hình thức thi trắc nghiệm, giải quyết tình huống, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.
Những sáng kiến, đề xuất, ý tưởng trên đây là những gợi ý ban đầu, tôi xin mạn phép để xuất với Hội Luật gia Việt Nam, để có những giải pháp phù hợp, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên 4.0, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lê Thị Thanh Xuân/Người Đưa tin