Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, sau ba năm thực hiện đã có 10/22 đề tài nhánh của chương trình được triển khai, nghiệm thu xếp loại đạt và có đóng góp nhất định cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Một số kết quả nghiên cứu bước đầu được vận dụng trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sắp xếp, điều chỉnh, đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương theo tinh thần cải cách hành chính nhà nước hiện nay.
Hội thảo nhằm tập trung đánh giá kết quả đạt được cùng những hạn chế, khó khăn trong thời gian qua. Từ đó, đề xuất những kiến nghị, giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng các sản phẩm khoa học của chương trình, đóng góp thiết thực, trực tiếp phục vụ việc xây dựng chính sách pháp luật trong những lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành Nội vụ.
Những năm qua, chương trình “Tổ chức hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo định hướng hiện đại, hiệu quả” đã thu hút sự tham gia của các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ Nội vụ như Học viện Hành chính quốc gia, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Viện Khoa học tổ chức nhà nước cùng nhiều nhà khoa học, viên chức uy tín, tâm huyết.
10 đề tài nhánh thực hiện đã đưa ra một số gợi ý có tính định hướng cho việc nghiên cứu vận dụng lý thuyết vào mô hình tổ chức hành chính nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay, đồng thời xác định rõ hơn quan niệm, đặc trưng của quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả. Từ kết quả nghiên cứu, các đề tài cũng đã đề xuất những định hướng chủ yếu về đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước nói chung và của Chính phủ, chính quyền địa phương nói riêng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Quý Phương chia sẻ, đổi mới “quản trị quốc gia” theo hướng hiện đại, hiệu quả là chủ trương lớn của Đảng, đặt ra những yêu cầu khách quan về đổi mới thể chế quản trị, tư duy, nhận thức, vị trí, vai trò của các chủ thể. Do đó, cần tham khảo, tiếp thu chọn lọc những kinh nghiệm tốt của các địa phương, thế giới trên cơ sở phù hợp với truyền thống, lịch sử, chế độ chính trị, bản sắc văn hóa và đặc điểm kinh tế - xã hội của nước ta. Đây là một xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển khách quan của xã hội và thời đại. Song sự tất yếu, khách quan này cần được nhận thức và hành động dựa trên nền tảng khoa học.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hậu, Chánh Văn phòng Học viện Hành chính quốc gia, cần hướng tới nền hành chính quốc gia hiện đại để thu hút, giữ chân và tạo điều kiện để nhân tài được phát huy năng lực tại các địa phương. Nhằm thực hiện chương trình tốt hơn trong những năm tới, các đề tài nên bổ sung nghiên cứu sâu hơn về các chức danh linh hoạt từ một số nước trên thế giới và rút ra bài học phù hợp đối với Việt Nam.
Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Tổ chức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả” được phê duyệt thực hiện nhằm đi sâu nghiên cứu một cách cơ bản, toàn diện, có hệ thống về tổ chức, hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Trên cơ sở đó, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, giải pháp tiếp tục cải cách hành chính nhà nước và cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng, hoàn thiện nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như có những đóng góp trực tiếp vào việc tạo dựng bộ môn khoa học tổ chức và tổ chức nhà nước đang còn khá mới mẻ ở nước ta.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/doi-moi-hoat-dong-hanh-chinh-theo-huong-hien-dai-hieu-qua-20230414131107739.htm