Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến pháp luật, thích ứng với bối cảnh mới

Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến pháp luật, thích ứng với bối cảnh mới
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013. Sau 10 năm triển khai thi hành, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được chú trọng và ngày càng được triển khai đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung.

Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến pháp luật, thích ứng với bối cảnh mới
Chiến sĩ Đồn biên phòng Nậm Kè (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) trao đổi nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các trưởng bản. Ảnh (tư liệu): Xuân Tiến/TTXVN

Nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng cao, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - , giảm thiểu tình hình vi phạm pháp luật ở địa phương.

Nhằm làm rõ hơn những kết quả đạt được sau 10 năm triển khai, thi hành Luật; những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ nhằm tạo đột phá cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, để pháp luật đến gần hơn với người dân và thực sự đi vào cuộc sống, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

Thưa bà, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, bà đánh giá việc triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã có tác động như thế nào đến việc thực thi pháp luật của các tổ chức, cá nhân hiện nay?

Có thể nói kết quả đầu tiên là đã xây dựng được hệ thống pháp luật, các văn bản pháp luật quy định về lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật khá đồng bộ và toàn diện. Bên cạnh đó, sau khi Luật ra đời, nhận thức của cấp ủy, chính quyền về công tác này tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét. Nguồn nhân lực thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật dần dần hình thành và phát triển.

Ngoài ra, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật với các văn bản hướng dẫn thi hành, các đề án, chương trình mà Chính phủ ban hành, đã nhận được sự hưởng ứng của địa phương, các cấp, các ngành. Đặc biệt, một chủ thể vô cùng quan trọng là sự vào cuộc, ủng hộ của người dân trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Chúng ta không thể không thừa nhận trình độ dân trí, nhận thức, kiến thức, ý thức tuân thủ pháp luật đã được nâng lên rất nhiều. Người dân không chỉ dừng ở biết, hiểu pháp luật, mà còn tự giác trong vấn đề tuân thủ pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đó là tác động vô cùng quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với  xã hội. Tính kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ đã được nâng lên. Vấn đề thượng tôn Hiến pháp và pháp luật đã thực sự thấm sâu và lan tỏa trong đời sống xã hội.

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã xác định cụ thể những nhóm đối tượng đặc thù để tuyên truyền, trong đó có người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp… Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho những đối tượng này có điểm gì khác biệt và cần lưu ý, thưa bà?

Chúng ta phải luôn bám sát vào đặc điểm và nhu cầu của đối tượng để thực hiện nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp. Những đối tượng ở vùng biên giới gặp khó khăn hơn về địa giới, điều kiện, kinh tế - xã hội. Họ còn bị ràng buộc bởi những yếu tố phong tục, tập quán, văn hóa. Do đó, phải có sự khoanh vùng và lựa chọn.

Không chỉ có nội dung, hình thức và các biện pháp bảo đảm cho đối tượng đặc thù khác với đối tượng đại chúng, những người thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật còn phải có những yếu tố đặc thù phù hợp. Ví dụ, đối với việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật, người  viên không chỉ biết kiến thức pháp luật, mà phải có phương pháp, kỹ năng và hiểu được đối tượng này. Khi đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù mới hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả tích cực, qua 10 năm thi hành Luật cũng cho thấy nhiều hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ. Những khó khăn đó là gì, thưa bà?

Sau 10 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Có lúc, có nơi, việc triển khai các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật chỉ xuất phát từ ý chí chủ quan của chủ thể thực hiện mà chưa thực sự bắt nguồn từ đời sống, từ nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, mức độ tiếp cận và đáp ứng trong sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vẫn còn chậm. Vấn đề nữa là nguồn lực, cả về mặt con người và kinh phí cũng chưa thực sự bảo đảm để triển khai công tác này đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Trước những khó khăn như vậy, theo bà, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới cần được triển khai như thế nào để đáp ứng được yêu cầu, bối cảnh mới, đặc biệt là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ ở các cấp, các ngành như hiện nay?

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, cách làm mới để phù hợp với yêu cầu của bối cảnh hiện nay. Yêu cầu bối cảnh đó là trình độ dân trí đã được nâng lên. Chuyển đổi số không phải là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện. Do đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải tham gia cùng với đời sống và cần có sự thay đổi.

Một trong những thay đổi đầu tiên đó chính là thể chế, cần phải có sự rà soát tổng thể từ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đến các nghị định, thông tư và các văn bản có liên quan.

Tiếp đến là nguồn nhân lực, phải tạo điều kiện thuận lợi cho những người thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật để họ thực hiện nhiệm vụ của mình. Các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm, nhận thức sâu sắc hơn trong vấn đề củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đặc biệt, phải có sự đa dạng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp tục tăng cường trao đổi để thực sự nắm bắt được người dân đang cần gì, có khó khăn, vướng mắc để giải quyết trúng những vấn đề đó. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức vào đầu tháng 11 tới đây. Theo bà, thời gian tới, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần thực hiện như thế nào để ý thức thượng tôn pháp luật hiển hiện ngay trong việc làm hằng ngày của mỗi công dân, để 365 ngày trong một năm ngày nào cũng là Ngày Pháp luật?

Một trong những vấn đề mà chúng ta cần lưu ý đó là tiếp tục xác định vị trí, ý nghĩa, vai trò của pháp luật trong đời sống, để từ đó, các cấp, các ngành có kế hoạch, chương trình, chính sách, cách thức tổ chức thực hiện hằng ngày, hằng giờ. Trước tiên, công chức gắn với trách nhiệm thực hiện công vụ của mình và ý thức gương mẫu của đội ngũ cán bộ. Tính kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Đối với người dân cần làm thế nào đó để Ngày Pháp luật thực sự bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của họ; để người dân được tiếp cận pháp luật một cách dễ dàng. Người dân không chỉ biết pháp luật mà còn hiểu pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Ngay từ trong tổng thể các lĩnh vực công tác, từ xây dựng pháp luật đến phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật... đều có tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Tất cả những lĩnh vực công tác này phải quay ngược lại phục vụ người dân, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích của người dân. Như vậy, Ngày Pháp luật sẽ đồng hành với người dân, đồng hành cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Trân trọng cảm ơn bà!

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-phu-voi-nguoi-dan/doi-moi-noi-dung-hinh-thuc-pho-bien-phap-luat-thich-ung-voi-boi-canh-moi-20221031121542757.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.39340 sec| 666.922 kb