Tại kỳ họp bất thường lần thứ Năm diễn ra sáng 15/1, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo Luật lần này; đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật. Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội lần này được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, thể hiện sự lắng nghe, tiếp thu đầy đủ, thận trọng các vấn đề lớn, vấn đề khó còn ý kiến khác nhau.
Đại biểu Quốc hội quan tâm đến quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư
Đóng góp vào những vấn đề cụ thể của dự án luật, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đề nghị, cần chỉnh lý khoản 27, Điều 79 cho phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 126 và yêu cầu của Nghị quyết số 18 của Trung ương.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, điểm a khoản 1 Điều 126 quy định "Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trong các trường hợp sau đây: a) Dự án quy định tại khoản 27 Điều 79 của Luật này mà được HĐND cấp tỉnh quyết định việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. HĐND cấp tỉnh quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương". Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là rất phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 18 và điều kiện của địa phương.
Tuy nhiên, khoản 27, Điều 79 lại quy định "dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng". Nếu quy định như vậy, rất nhiều dự án xây dựng khu đô thị không thỏa mãn tiêu chí của khoản 27 Điều 79 thì cũng không được đấu thầu. Hay dự án sử dụng đất không phải đất ở thì không được phép thỏa thuận và cũng không được đấu thầu. Vậy những dự án này sẽ thực hiện theo phương thức nào?
Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị chỉnh lý khoản 27, Điều 79 thành "Các dự án sử dụng đất thuộc đối tượng phải đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật".
Đồng qua điểm nêu trên, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, theo Điều 254 dự thảo Luật, toàn bộ các dự án hạ tầng khu dân cư, điểm dân cư do nhà nước đầu tư để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc dự án xây dựng khu dân cư hoàn chỉnh đã xong các bước phê duyệt dự án đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa có thông báo thu hồi đất hoặc thông báo thu hồi đất nhưng chưa hết phần diện tích đất thực hiện dự án thì nay chưa biết phải thực hiện như thế nào vì Điều 79 không đề cập đến các loại dự án này. Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 27, Điều 79 để không vướng mắc khi luật ban hành.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm đến những quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Đánh giá cao các quy định trong dự thảo Luật, song, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, điểm a khoản 2 Điều 110 quy định "Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị..." là tiêu chuẩn tối thiểu đối với khu tái định cư vì có thể có địa phương có điều kiện xây dựng khu hạ tầng khu vực nông thôn đạt chuẩn của khu vực đô thị.
Đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng "hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, tối thiểu đạt tiêu chuẩn khu đô thị mới đối với khu vực đô thị".
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) đề nghị bổ sung quy định về xử lý trường hợp nếu quá 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu, UBND cấp có thẩm quyền chưa thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu. Đồng thời, đại biểu cho biết, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần quy định rõ trong dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về việc ứng vốn theo tiến độ giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và quá trình thực hiện rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm và quyền lợi giữa các bên liên quan.
Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, điểm b khoản 2 Điều 87 của dự thảo luật cần bổ sung cụm từ "hoặc cấp tỉnh", qua đó sửa đổi hoàn chính thành: Trường hợp không liên lạc được và không gửi được thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi, thì thông báo trên một số báo hàng ngày của Trung ương hoặc cấp tỉnh trong 3 số liên tiếp, hoặc phát sóng trên Đài phát thanh, truyền hình của Trung ương hoặc cấp tỉnh trong 3 ngày liên tiếp.
Theo đại biểu Trần Đình Gia, nếu chỉ quy định thông báo trên báo chí trung ương, sẽ rất khó khăn và vướng mắc trong việc giúp người dân tiếp cận thông tin. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bỏ quy định tại khoản 5, về nội dung UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành quyết định thu hồi đất trong thời hạn 10 ngày, vì không có tính khả thi, vì giao thời điều chỉnh đơn giá bồi thường tài sản do UBND tỉnh quy định thay đổi đơn giá bồi thường giữa đơn giá sau so với đơn giá trước.
Công bố công khai việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) cho biết, về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tại khoản 7 Điều 76 dự thảo luật có quy định, diện tích đất được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà sau 2 năm liên tục được thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện phải xem xét, đánh giá, điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ này.
Khoản 8 Điều 76 có quy định, hàng năm UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hủy bỏ việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
Đại biểu đặt vấn đề, khoản 7 có đề cập đến việc điều chỉnh, hủy bỏ, tuy nhiên, tại khoản 8 chỉ đề cập đến việc hủy bỏ, trường hợp có điều chỉnh, có hủy bỏ thì việc điều chỉnh tại khoản 7 có được hiểu là điều chỉnh về thời gian thu hồi hay không? Nếu sau 2 năm liên tiếp không thực hiện thì việc xử lý sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục nào? Có cần thiết thông qua HĐND tỉnh trước khi UBND công bố việc hủy bỏ hay không? Đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn những nội dung này.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, về quyền của người sử dụng đất, Điều 26 của dự thảo luật cần bổ sung một khoản về quyền của người sử dụng đất như sau: Người sử dụng đất có quyền sử dụng vùng trời phía trên bề mặt đất, vùng đất bên dưới bề mặt đó một cách hợp lý cho việc sử dụng hợp pháp của mình theo quy định của Chính phủ.
Đại biểu cũng cho rằng, về thu hồi đất (khoản 3 Điều 81) và loại trừ không thu hồi giấy chứng nhận đã cấp (khoản 4 Điều 152), dự thảo luật còn có những quy định mâu thuẫn, không nhất quán, cụ thể, Điều 81 không loại trừ trường hợp đã thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất. Đại biểu đề nghị cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng quy định này, loại bỏ quy định loại trừ tại khoản 4 Điều 152, chỉ áp dụng điểm d khoản 2 Điều 152 và khoản 3 Điều 81 để thu hồi giấy chứng nhận, thu hồi đất trong trường hợp cấp, giao đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến về các vấn đề trọng tâm của dự án luật như: Phương pháp định giá đất; các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao quyết tâm, tinh thần làm việc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ để chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật. Các đại biểu cũng đánh giá cao nội dung của dự thảo luật thống nhất với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Do đây là dự án luật lớn, đồ sộ, phức tạp, nên có ý kiến đại biểu đề nghị cần có Nghị quyết của Quốc hội để hướng dẫn thi hành luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết, các nội dung cần thể hiện trong Nghị quyết để trình Quốc hội.
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, thuê đất, thu hồi đất, đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, định giá đất, quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành cùng nhiều ý kiến xác đáng, cụ thể vào các chương trình, các Chương, Điều, khoản trong luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của các đại biểu đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, sẽ được sớm tổng hợp để phục vụ quá trình tiếp thu, giải trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, khẩn trương tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện và báo cáo Quốc hội vào phiên họp sáng thứ 5, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-duoc-chuan-bi-rat-cong-phu-ky-luong-102240115150357246.htm