Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Cần bổ sung công tác điều tra cơ bản địa chất

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Cần bổ sung công tác điều tra cơ bản địa chất
Ngày 22/2, tại Hà Nội, Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đối với nội dung về địa chất.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Cần bổ sung công tác điều tra cơ bản địa chất
Công trường khai thác khoảng sản mỏ đa kim Núi Pháo (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) của Công ty Cổ phần tài nguyên Masan. Ảnh (tư liệu) minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN

Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Mỹ Dũng cho biết, Cục Địa chất Việt Nam dự kiến đưa vào dự thảo Luật các thuật ngữ về tài nguyên địa chất; điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; quản lý thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; khu vực địa chất đặc thù.

Cục Địa chất Việt Nam xây dựng quy định các nội dung về công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản: điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; lập bản đồ địa chất, khoáng sản; điều tra, lập bản đồ địa hóa đất; điều tra di sản địa chất, công viên địa chất; điều tra tài nguyên vị thế; điều tra tai biến địa chất, địa chất môi trường; điều tra địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa chất đô thị; đánh giá tiềm năng khoáng sản; quản lý nhà nước về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; quản lý thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; quy định về quản lý nhà nước tại các khu vực địa chất đặc thù; tài chính về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; các nguồn thu ngân sách từ hoạt động điều tra địa chất, khoáng sản và sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản.

Phó Cục trưởng Trần Mỹ Dũng mong muốn qua Hội thảo, nhận được ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý về những nội dung điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản đưa vào luật (các khái niệm đưa vào luật; điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản gồm những nội dung gì) và quản lý nhà nước điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản (quản lý những vấn đề gì, quản lý như thế nào, phân công quản lý ra sao).

Góp ý về nội dung công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, Tiến sỹ Hoàng Văn Khoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam) cho rằng, Cục Địa chất Việt Nam cần bổ sung các thuật ngữ về bùn khoáng, khu vực địa chất đặc thù và các khái niệm địa chất không gian ngầm đô thị (địa chất 3D, 4D); bổ sung quy định về quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản thay cho điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; làm rõ nội hàm của tên Luật Địa chất; cần đưa dữ liệu, thông tin địa chất là tài nguyên địa chất.

Đối với nội dung công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, xem xét bổ sung công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản biển bởi đây là lĩnh vực có đặc thù riêng, không như trên đất liền; bổ sung hoạt động điều tra địa chất không gian ngầm đô thị (địa chất 3D, 4D), đây là lĩnh vực gắn với địa chất đô thị, địa chất công trình, địa chất thủy văn; xem xét về địa chất viễn thám và vũ trụ, bay đo địa vật lý, công tác nghiên cứu địa chất khoáng sản là lĩnh vực của hoạt động điều tra địa chất.

Đối với nội dung quản lý nhà nước về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, Ban soạn thảo cần bổ sung công tác thẩm định; đăng ký, phê duyệt thông tin dữ liệu địa chất khoáng sản, tài nguyên địa chất; di sản, vị thế; công tác xây dựng các quy trình, quy phạm kỹ thuật; công tác kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra địa chất; công tác huy động kinh phí tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất, khoáng sản.

Góp ý về nội dung quản lý nhà nước về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, Tiến sỹ Dương Ngọc Tình, Liên đoàn địa chất Trung Trung Bộ cho rằng, Cục Địa chất Việt Nam cần bổ sung công tác kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra địa chất, lập bản đồ vỏ phong hóa - địa hóa đất; điều tra địa chất đô thị, điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu không gian ngầm đô thị; công tác huy động kinh phí tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất, khoáng sản.

Về điều kiện địa chất, địa chất công trình, địa chất thủy văn (nhất là cung cấp nước ngầm, nước mặt) cho sản xuất và công nghiệp, Cục cần khảo sát chi tiết các khu vực xây dựng bãi thải, xử lý nước thải phục vụ quản lý khoáng sản (các khoáng sản trên mặt cần được đánh giá đến trữ lượng để cấp phép khai thác trước khi xây dựng công trình trên mặt để tránh lãng phí tài nguyên khoáng sản).

Tiến sỹ Nguyễn Thành Vạn, Tổng hội Địa chất Việt Nam góp ý, cách tiếp cận xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản cần đi từng bước, từ tên Luật đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, sau đó xác định các khái niệm, thuật ngữ liên quan; đề xuất các nội dung (điều, khoản) sẽ bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, các nhà khoa học đã thảo luận về cách tiếp cận xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, cụ thể cần đi từng bước, từ tên Luật đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, sau đó xác định các khái niệm, thuật ngữ liên quan; từ đó đề xuất các nội dung (điều, khoản) sẽ bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh trong Luật.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/du-thao-luat-dia-chat-va-khoang-san-can-bo-sung-cong-tac-dieu-tra-co-ban-dia-chat-20230222173006000.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26439 sec| 647.609 kb