Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra vào sáng 7/9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) - Ảnh: VGP/ĐH

Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); đã có 162 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại tổ và hội trường. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức khảo sát, làm việc với một số cơ quan là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự thảo Luật; tổ chức các cuộc họp để trao đổi, thống nhất nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật trình xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị này đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 7 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm 1 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, mục trong các chương của dự thảo Luật cho hợp lý.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo; cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi được đề ra trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các định hướng sửa đổi Luật Thanh tra đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Giữ Thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính

Về Thanh tra huyện (Mục 6 Chương II), theo ông Hoàng Thanh Tùng, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo nhận thấy, Thanh tra huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc tiếp tục duy trì, củng cố Thanh tra huyện để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện các sai phạm phát sinh ngay từ ở cơ sở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và trung ương.

Thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra mà còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng khác được giao trong các luật, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng… Những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà là do chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc không duy trì Thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn cấp huyện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế- phát triển.

Do đó, đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội giữ Thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua, trước hết cần khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để Thanh tra huyện có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành các quy định của dự thảo Luật về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong quá trình thanh tra; đồng thời, đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, nhất là cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán để tránh sự chồng chéo, trùng lặp.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã rà soát dự thảo Luật để chỉnh lý, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán làm tăng chi phí, gây phiền hà, bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra như một số trường hợp diễn ra thời gian qua.

Cụ thể đã chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật về: Xây dựng, ban hành định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hằng năm (Điều 43 và Điều 44); nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra (Điều 52); việc thu thập thông tin, tài liệu trong chuẩn bị thanh tra (Điều 53); công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (Chương VI); đồng thời, bổ sung quy định về việc sử dụng kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán và trách nhiệm của các cơ quan trong việc sử dụng các kết luận này (Điều 109)…

Thực tế hiện nay, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã ký Quy chế phối hợp để xử lý kịp thời các chồng chéo, trùng lặp trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Ông Hoàng Thanh Tùng khẳng định, sau Hội nghị, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ và cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn chỉnh, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/du-thao-luat-thanh-tra-sua-doi-co-ban-dap-ung-muc-dich-quan-diem-sua-doi-102220907093632573.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.30660 sec| 659.047 kb