Đối mặt với nhiều rào cản
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, phạm nhân nữ sau khi mãn hạn tù trở lại cộng đồng sẽ phải đối diện với sự nghi ngại từ cộng đồng, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của họ trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Sự kỳ thị, không đón nhận hay e ngại của những người xung quanh có thể khiến những người mãn hạn tù mất dần sự tự tin, ngại giao tiếp, trở nên tiêu cực và có thể một lần nữa đẩy họ vào con đường sai trái.
Những trở ngại trên con đường tái hòa nhập cộng đồng đã khiến một số phạm nhân nữ chấp hành xong án phạt tù khó tìm được công việc để ổn định cuộc sống. Thậm chí, có những trường hợp không thể trở về tiếp tục sinh sống tại địa phương, trong khi đó lại có nhiều đối tượng đang chờ cơ hội để dụ dỗ họ tái phạm.
Trong hoàn cảnh khó khăn, chưa tìm ra hướng giải quyết thoả đáng, họ có thể đối diện nguy cơ trở lại lối mòn cũ- Bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, Luật sư Hà Huy Từ – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng thuộc Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, có rất nhiều rào cản mà các phạm nhân nữ phải đối mặt sau khi chấp hành xong án phạt tù, trở về và hoà nhập cộng đồng. Nhưng khó khăn tựu trung là từ hai phía, gồm bản thân họ và từ định kiến của một bộ phận trong gia đình, cộng đồng, xã hội.
Thực tế đã cho thấy, sau thời gian dài bị cách ly khỏi xã hội, những kiến thức, kinh nghiệm mà những người này có được trước thời điểm phạm tội đã không theo kịp với những thay đổi, phát triển về kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ của đất nước.
Do đó, việc khôi phục quyền trên thực tế của người mãn hạn tù rất khó thực hiện do bản thân họ thiếu năng lực cần thiết, thiếu khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động. Bản thân họ có trạng thái tâm lý phức tạp do mặc cảm về lỗi lầm trước đây hoặc là hận đời, chán đời, đặc biệt là những người chịu cảnh gia đình tan vỡ, người thân bỏ mặc trong thời gian ở tù dẫn đến trạng thái chán nản, buông xuôi, tự ti, không có động lực để lao động, sản xuất tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, ngoài sự thiếu hụt kỹ năng, năng lực cá nhân, người mãn hạn tù nhiều khi còn thiếu cả động lực, ý chí, quyết tâm thực hiện trên thực tế các quyền đã được khôi phục.
Trước thực tế này, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ tại địa phương nắm tình hình phụ nữ đã chấp hành xong án phạt tù, hoàn thành thời gian cải tạo, phạm nhân đã được đặc xá… để tiếp tục động viên, giáo dục, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng và tránh xa tệ nạn xã hội, không tái phạm tội. Đồng thời, thăm hỏi, động viên, thu hút, tập hợp nhiều đối tượng phụ nữ hoàn lương tham gia các mô hình, câu lạc bộ văn hóa, thể thao, tham gia sinh hoạt chi, tổ hội tại địa phương, để vừa tạo động lực tinh thần vừa giúp họ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.
Tại các địa phương, các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho nữ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng về phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam; sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; giáo dục về quyền và nghĩa vụ của phụ nữ, về bình đẳng giới; tuyên truyền phòng, chống mua bán người; phòng chống tệ nạn xã hội, tín dụng đen, ma túy, mại dâm; phòng, chống xâm hại tình dục…
Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai hàng năm Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp dành cho phụ nữ trong khuôn khổ “Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, với đối tượng ưu tiên là phụ nữ yếu thế, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, triển khai các sự kiện truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại các trại giam cho các nữ phạm nhân sắp mãn hạn tù, hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, đã tổ chức 5 cuộc truyền thông cho hơn 1.000 nữ phạm nhân tại 5 trại giam đông phạm nhân nữ trên cả nước…
Quyết định nhân văn và ý nghĩa
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, đánh giá, Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là một văn bản cấp thiết, kịp thời, giải quyết tình trạng không tìm được việc làm, không có sinh kế để ổn định cuộc sống tại địa phương cho các phạm nhân sau khi mãn hạn tù, tái hòa nhập cộng đồng.
Theo Quyết định số 22, đối tượng phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt, có 2 mức vốn cho vay: Đối với vay vốn để học nghề/đạo tạo nghề là 4 triệu đồng/tháng/người. Đối với mục đích kinh doanh và theo từng quy mô, mức độ thực hiện: mức vay tối đa 100 triệu đồng/người, với lãi suất ưu đãi như với đối tượng hộ nghèo.
Luật sư Hà Huy Từ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng đánh giá rất cao ý nghĩa, phạm vi, sức lan tỏa của Quyết định số 22; thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ rất thiết thực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta với những người đã từng lầm lỡ nay tái hòa nhập cộng đồng, tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán “không ai bị bỏ lại phía sau” mà Chính phủ đã đề ra và quyết tâm thực hiện.
Có thể khẳng định, Quyết định 22/2023/QĐ-TTg là “bà đỡ” quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc, cần thiết để người chấp hành xong án phạt tù có địa chỉ cụ thể để tìm đến vay vốn, hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Luật sư Hà Huy Từ tin tưởng và hy vọng rằng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công an sẽ vào cuộc quyết liệt, tổ chức thực hiện Quyết định này. Đặc biệt, chỉ đạo các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến chính sách tại Quyết định này; chỉ đạo Công an cấp xã định kỳ hằng tháng lập và cung cấp danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn theo Mẫu số 01 kèm theo Quyết định chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội làm căn cứ cho vay.
Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ hoàn lương
Với chức năng và nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, trong thời gian tới, Hội sẽ triển khai chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương, để Hội Liên hiệp Phụ nữ tại các địa phương thực hiện tuyên truyền trong các hoạt động phối hợp với Cục C10 và các trại giam.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng sẽ lồng ghép tuyên truyền Quyết định 22 trong các chương trình, Đề án của Chính phủ mà Hội phụ trách như: Tuyên truyền trong các hoạt động của Đề án 939, Đề án 938 và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, đặc biệt, trên nền tảng Cổng Thông tin điện tử và trang fanpage của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, Hội cũng sẽ đưa nội dung của Quyết định 22 vào nội dung chương trình tập huấn cho cán bộ Hội, các báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại các địa phương.
Luật sư Hà Huy Từ cho biết: Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng là cơ quan trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam hoạt động theo Điều lệ và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tư vấn pháp luật. Trung tâm đón nhận Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù vì xác định đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn, rất cần thiết, nhân đạo và nhân văn, yêu cầu các cơ quan chức năng phải vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Trong quá trình lao động, làm việc, nếu người hoàn lương, nhất là phụ nữ có những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý, họ hoàn toàn có thể liên hệ các tổ chức, cá nhân có chức năng tư vấn pháp luật, trong đó có Trung tâm tư vấn pháp luật cho người nghèo và phát triển cộng đồng để được hỗ trợ, tư vấn pháp luật…
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-phu-voi-nguoi-dan/dua-von-chinh-sach-den-voi-phu-nu-hoan-luong-20230829150806263.htm