Bộ Tư pháp cho biết: Bối cảnh thế giới và trong nước những năm gần đây có nhiều biến động, phát sinh nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ cần sự can thiệp bằng pháp luật, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp. Ngay cả sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát ở trong nước thì hậu quả của Covid-19 vẫn để lại nhiều khó khăn, tác động tiêu cực trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Thời điểm này, nhiều yêu cầu thực tiễn phát sinh đòi hỏi phải kịp thời giải quyết nhằm tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra, thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong nhiều trường hợp đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải nâng cao năng lực nhận diện, phản ứng chính sách để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới VBQPPL nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Yêu cầu này đòi hỏi quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL cần có tính linh hoạt và phù hợp hơn với thực tiễn.
Bên cạnh đó, trong quá trình thi hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã nhận được phản ánh của bộ, ngành, địa phương về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 02 Nghị định và đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp hơn với thực tiễn công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, chẳng hạn như: quy định về lập đề nghị xây dựng VBQPPL (các trường hợp phải lập đề nghị, yêu cầu đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL…); quy định về soạn thảo VBQPPL (trách nhiệm của Ban soạn thảo, việc lập, công bố VBQPPL hết hiệu lực, việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn…); quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày VBQPPL và một số biểu mẫu kèm theo; quy định về kiểm tra, xử lý VBQPPL...
Với những lý do nêu trên và trước yêu cầu tình hình mới, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP là cần thiết.
Dự thảo Nghị định gồm 03 điều:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.
Dự thảo dự kiến sửa đổi, bổ sung 26 điều và bãi bỏ 01 điều (Điều 4) của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số mẫu của Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.
Nội dung Điều này sửa đổi 03 mẫu (gồm Mẫu số 42 Phụ lục I; Mẫu số 01, 02 Phụ lục V) và bổ sung 03 mẫu vào Phụ lục V Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.
Điều 3. Hiệu lực thi hành.
Dự thảo Nghị định tập trung vào 03 nhóm vấn đề, gồm: (1) sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP để đẩy nhanh tiến độ ban hành VBQPPL nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng; (2) sửa đổi, bổ sung một số quy định để khắc phục bất hợp lý của 02 Nghị định; (3) sửa đổi, bổ sung các quy định còn thiếu trong 02 nghị định.
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng TTĐT Bộ Tư pháp.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/go-vuong-trong-cong-tac-xay-dung-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-10223112309290047.htm