Theo dự thảo, doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi cổ phần hóa tiếp tục áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp đang áp dụng tại thời điểm thực hiện cổ phần hóa và áp dụng các nội dung hướng dẫn kế toán tại văn bản này. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hóa được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì doanh nghiệp cổ phần hoá căn cứ vào các quy định của pháp luật về cổ phần hóa tại các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó và các nguyên tắc kế toán quy định tại chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp để hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến quá trình cổ phần hóa.
Khi nhận được quyết định thực hiện cổ phần hóa của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm tổ chức, kiểm kê, phân loại tài sản, các nguồn vốn và quỹ doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng, đối chiếu và xác nhận công nợ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.
Doanh nghiệp cổ phần hóa không thực hiện điều chỉnh số liệu trong sổ kế toán, báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định và công bố.
Quy định về tài khoản kế toán
Dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp cổ phần hóa bổ sung các tài khoản cấp 2 của các Tài khoản 138 - Phải thu khác; Tài khoản 338 - Phải trả, phải nộp khác trong hệ thống tài khoản kế toán để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế có liên quan đến cổ phần hóa. Cụ thể:
- Tài khoản 1385 - Phải thu về cổ phần hóa: Phản ánh số phải thu về cổ phần hóa mà doanh nghiệp đã chi ra, như: các khoản chi phí trực tiếp tại doanh nghiệp (chi phí tập huấn nghiệp vụ về cổ phần hóa, chi phí kiểm kê, xác định giá trị tài sản; chi phí lập phương án cổ phần hóa, xây dựng Điều lệ; chi phí Hội nghị người lao động để triển khai cổ phần hóa; chi phí hoạt động tuyên truyền công bố thông tin về doanh nghiệp; chi phí thuê kiểm toán báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức thành công ty cổ phần; chi phí cho việc tổ chức bán cổ phần; chi phí tổ chức họp Đại hội cổ đông lần đầu); tiền thuê tổ chức kiểm toán, tư vấn cổ phần hóa do cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc Ban chỉ đạo (nếu được ủy quyền) quyết định; thù lao cho Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc; các chi phí khác có liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp.
- Tài khoản 3385 - Phải trả về cổ phần hóa: Phản ánh số phải nộp Nhà nước từ tiền thu bán cổ phần lần đầu phải nộp vào Ngân sách nhà nước theo quy định; khoản chênh lệch giữa giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chuyển thành công ty cổ phần lớn hơn giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; số lãi chậm nộp do chưa nộp tiền theo đúng thời hạn quy định vào Ngân sách nhà nước.
Kế toán kết quả kiểm kê tài sản
Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề xuất cụ thể hướng dẫn kế toán khi chuyển doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty TNHH nhà nước một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần như: Kế toán kết quả kiểm kê tài sản; kế toán thanh lý, nhượng bán tài sản không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý; kế toán xử lý các khoản nợ phải thu; kế toán xử lý các khoản nợ phải trả; kế toán xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ; kế toán đối với các khoản dự phòng; đối với các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ hoạt động đầu tư tài chính; kế toán các khoản lỗ hoặc lãi phát sinh từ giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu; kế toán các khoản thu và chi phí thực hiện cổ phần hóa...
Cụ thể, đối với kế toán kết quả kiểm kê tài sản, tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất hướng dẫn: Căn cứ vào kết quả kiểm kê, phân loại tài sản: Đối với tài sản thừa, thiếu doanh nghiệp phải phân tích rõ nguyên nhân và căn cứ vào Quyết định xử lý tài sản thừa, thiếu của cơ quan có thẩm quyền để hạch toán như sau:
Đối với tài sản thiếu phải xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý bồi thường vật chất theo quy định hiện hành; giá trị tài sản thiếu sau khi trừ khoản bồi thường của tổ chức, cá nhân (nếu có) được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 1388, … (phần bồi thường của các tổ chức, cá nhân)
Nợ các TK 632, 811, ... (giá trị tài sản thiếu sau khi trừ khoản bồi thường của các tổ chức, cá nhân theo quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền)
Có các TK liên quan.
Đối với tài sản thừa phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý theo quy định hiện hành; giá trị tài sản thừa, không phải trả (nếu có) được hạch toán vào thu nhập khác tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, ghi:
Nợ các TK liên quan
Có TK 711 - Thu nhập khác...
Theo Báo Chính phủ