Lập pháp chủ động, không ngừng sáng tạo
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Bối cảnh tình hình năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 có các yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen tác động đến công tác lập và thực hiện Chương trình. Sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế - xã hội từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do hậu quả của dịch bệnh cũng như tác động bởi diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả, kinh nghiệm đã tích lũy, với tinh thần “lập pháp chủ động”, không ngừng nỗ lực, sáng tạo, quyết liệt, có nhiều cải tiến, đổi mới để khắc phục khó khăn, hoàn thành chương trình đề ra đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Về việc điều chỉnh Chương trình năm 2024 theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết sẽ bổ sung 8 dự án luật, bao gồm: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Bổ sung 2 dự án Pháp lệnh: Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với phạm vi điều chỉnh như Chính phủ trình là toàn diện các vấn đề liên quan đến quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tính chất là công trình đặc biệt quan trọng về an ninh quốc gia, đồng thời là di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng trong Cụm di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình; Pháp lệnh Chi phí tố tụng với phạm vi điều chỉnh bao gồm chi phí tố tụng hình sự, chi phí tố tụng dân sự, chi phí tố tụng hành chính và chi phí tố tụng cho Hội thẩm.
Về Chương trình năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đối với 12 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, bao gồm: Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; đồng thời, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026, điều chỉnh Chương trình năm 2025 (nếu có).
Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 đối với 10 dự án luật, bao gồm: Luật Cấp, thoát nước; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Luật Đường sắt (sửa đổi) như tiến độ do Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất.
Khắc phục những bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm
Góp ý về chương trình xây dựng pháp luật năm 2025, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) cho biết, Quốc hội khóa XIV đã có giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Qua giám sát đã nhận diện nhiều tồn tại, hạn chế và có đề xuất 3 nhóm giải pháp khắc phục cũng như có nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, và 3 Bộ chủ quản (Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong tổ chức thực hiện tốt chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm
Theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ 4 tháng đầu năm 2024 cho thấy cả nước có 24 vụ với 835 người ngộ độc thực phẩm, 3 người chết và chưa có dấu hiệu dừng lại trong thời gian gần đây. Có thể nói, công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện nay mới được quản lý trên ngọn, chưa quản lý nội dung này từ gốc, tức là khi xảy ra hậu quả các ngành chức năng mới vào cuộc. Trong công nghiệp, công tác quản lý thành phẩm tương đối thuận lợi hơn, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét điều chỉnh, nhất là trong quy trình đăng ký, kiểm tra, giám sát sản phẩm, bảo quản…
Đại biểu cho rằng, việc khó khăn trong khâu quản lý trong hoạt động sản xuất nông nghiệp xuất phát từ đặc thù nông nghiệp nước ta tự sản tự tiêu là chính, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy nên chăng cần có chính sách khuyến khích đầu tư để đảm bảo sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nhiều vấn đề cần có giải pháp để tháo gỡ.
Xuất phát từ nhiều vấn đề đặt ra cần phải khắc phục hạn chế bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm hiện nay phù hợp tình hình thực tế, đại biểu đề nghị đưa Luật An toàn thực phẩm bổ sung vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025.
Theo đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An), mới đây, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc là nung nóng nhằm nhận diện tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đánh giá thực trạng mua bán, sử dụng cũng như công tác quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Qua phiên giải trình cho thấy một nghịch lý là tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là trong giới trẻ. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc là điện tử trong học sinh năm 2023 từ nhóm tuổi 13 -17 đã tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm, ở nhóm tuổi 13-15 đã tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8%. Tuy nhiên, phản ứng chính sách của chúng ta lại rất chậm. Bộ Y tế cho rằng khó khăn, vướng mắc hiện nay là Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 chưa điều chỉnh các loại thuốc lá mới xuất hiện sau khi luật ban hành cho nên thiếu một cơ chế pháp lý nhận diện và quản lý. Tuy nhiên, trong dự thảo chương trình trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2024 trình Kỳ họp thứ 7 vẫn thấy thiếu vắng dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
“Vì tương lai của thế hệ trẻ, một lần nữa tôi kính mong Chính phủ, Bộ Y tế sớm trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật năm 2025 dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và có thể áp dụng quy trình thủ tục rút gọn xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp”, đại biểu nêu ý kiến.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/khac-phuc-nhung-bat-cap-trong-quan-ly-an-toan-thuc-pham-20240530121732128.htm