Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Khắc phục tồn tại, hạn chế trong Luật Kinh doanh bất động sản

Khắc phục tồn tại, hạn chế trong Luật Kinh doanh bất động sản
Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật này.

Khắc phục tồn tại, hạn chế trong Luật Kinh doanh bất động sản
Quang cảnh phiên họp chiều 19/6. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cũng trong ngày, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Luật Giá (sửa đổi).

Dự án Luật Giá sửa đổi nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế sau 9 năm thi hành Luật Giá năm 2012, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá; đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Đáng chú ý, Luật không đưa mặt hàng “sữa dành cho người cao tuổi” và thịt lợn vào danh mục hàng hóa bình ổn giá. Đối với mặt hàng thịt lợn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, tỷ lệ sử dụng thịt lợn trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, chỉ ở mức 40-45% so với mức 65-70% như trước. Theo quy định hiện hành, mặt hàng thịt lợn không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và thực tế diễn biến thị trường trong thời gian qua cũng không đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đưa vào thực hiện bình ổn giá.

Đối với đề nghị bổ sung mặt hàng “sữa dành cho người cao tuổi”, trên thực tế, hiện nay mặt hàng này có tính chất như một thực phẩm chức năng và xét về mức độ biến động giá, phạm vi ảnh hưởng, tác động thì mặt hàng sữa đối với người cao tuổi không lớn so với mặt hàng sữa dành cho trẻ em. Và xét về công cụ quản lý, điều tiết của Nhà nước thì trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Dự thảo Luật Giá sửa đổi.

Về ý kiến đề nghị quy định khung giá đối với sách giáo khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, để ổn định thị trường đối với giá sách giáo khoa, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích của người , luật chỉ quy định giá trần, không quy định giá sàn đối với mặt hàng sách giáo khoa.

Phát triển nhà ở đến đúng đối tượng

Cho ý kiến tại hội trường về dự án Luật Nhà ở sửa đổi, nhiều đại biểu đánh giá chính sách về nhà ở xã hội là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này. Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho biết, chính sách trên được thể hiện trong các quy định chung và Chương 6 của dự thảo Luật. Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển dẫn chứng, từ nhiều nước cho thấy việc phát triển nhà ở xã hội đều hướng tới mục tiêu bao trùm nhất là cung cấp nơi ở phù hợp cho người dân dưới hình thức phát triển nhà cho thuê, đồng thời tách bạch rõ ràng giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý, vận hành nhà ở xã hội. 

Từ các phân tích trên, đại biểu đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể là tập trung xác định mục tiêu cốt yếu là việc phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu có chỗ ở phù hợp cho người dân chứ không phải là nhu cầu sở hữu nhà ở. Với định hướng đó, quy định về nhà ở xã hội cần được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê bằng nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân. 

Cùng quan tâm đến chính sách nhà ở xã hội, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) đề nghị rà soát, quy định rõ hơn, bảo đảm điều kiện tiên quyết của chính sách nhà ở xã hội là hướng đến người có thu nhập thấp, người nghèo, đồng thời cần tiếp tục cụ thể hóa các tiêu chí với từng nhóm đối tượng cụ thể, bảo đảm chính sách bao quát, công bằng.

Khắc phục tồn tại, hạn chế trong Luật Kinh doanh bất động sản

Về Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật về kinh doanh bất động sản cũng đã xuất hiện những tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi bổ sung.

Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 8 năm thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật này với các luật khác có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc xây dựng dự án luật luôn bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, văn bản khác có liên quan của Chính phủ để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và phát triển thị trường bất động sản; đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Dự án luật được xây dựng trên quan điểm giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến bất động sản như đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương về thị trường bất động sản; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh; đảm bảo vận hành các quan hệ về kinh doanh bất động sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-tri/khac-phuc-ton-tai-han-che-trong-luat-kinh-doanh-bat-dong-san-20230619203000953.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.5 5 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.27209 sec| 658.797 kb