Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Khai mạc Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương

Khai mạc Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương
Ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2024, đề ra nhiệm vụ công tác tháng 4 và quý 2/2024; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chinh phủ; kết quả thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, và nhiều nội dung quan trọng khác.

Khai mạc Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị Chính phủ với địa phương. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số Ban, Ủy ban, cơ quan của Trung ương Đảng và Quốc hội; lãnh đạo một số Tập đoàn kinh tế; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024 đã đi qua một quý, trong bối cảnh tình hình có những diễn biến mới, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện; kết quả tháng 3 cao hơn tháng 1 và tháng 2, tình hình quý I/2024 khởi sắc hơn quý I/2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; quốc phòng, được củng cố, tăng cường; chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; công tác văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội có những điểm sáng; công tác phòng, chống tham nhũng được tăng cường; công tác đối ngoại được đẩy mạnh, kết quả đáng phấn khởi.

Cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, nước ta vẫn còn những thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/ 2024; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; tình hình giải ngân vốn đầu tư công; kết quả thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV… Đặc biệt, phân tích tình hình, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 4, quý II và thời gian tới.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tăng trưởng GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Một số địa phương tăng trưởng quý I cao như Bắc Giang (14,2%), Thanh Hóa (13,2%), Trà Vinh (13,9%), Khánh Hòa (12,4%), Quảng Ninh (8,9%), Thành phố Hồ Chí Minh (6,54%), Hải Phòng (9,3%), Hà Nội (5,5%)…

Khai mạc Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị Chính phủ với địa phương. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá (CPI) tháng 3 tăng 3,97% so với cùng kỳ, tính chung quý I tăng 3,77%. Mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp, nhu cầu ngoại tệ trong nước được đáp ứng để hỗ trợ cho tăng trưởng, sản xuất, xuất khẩu; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước quý I ước đạt 31,7% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu quý I đều tăng lần lượt là 15,5%, 17% và 13,9%; ước xuất siêu 8,08 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 3,7%).

Tổng vốn FDI đăng ký quý I đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023; vốn thực hiện đạt 4,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… Giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (10,35%), đã đưa được lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển…

Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức. Áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm. Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro. Nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp nền, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn...

TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về Phiên họp.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-tri/khai-mac-phien-hop-chinh-phu-thuong-ky-thang-32024-va-hoi-nghi-truc-tuyen-chinh-phu-voi-dia-phuong-20240403084310865.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.29446 sec| 656.453 kb