Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 16 diễn ra vào sáng 11/10.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; lãnh đạo, đại diện một số bộ, ngành;…
Dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu
Theo Báo cáo, năm 2022 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao. Trong đó, vượt 6 chỉ tiêu đề ra, nhất là về tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%) tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Chính phủ kịp thời ban hành, tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (năm 2022-2023), bám sát quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát, tỉ lệ chuyển nặng, tử vong rất thấp so với các nước, tạo điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, ước cả năm GDP tăng trưởng cao hơn kế hoạch, được các tổ chức quốc tế có uy tín đồng thuận đánh giá cao. Thu ngân sách nhà nước ước cả năm vượt 14,3% so với dự toán, tạo dư địa trong điều hành tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất, tỉ giá, hạn mức tăng trưởng tín dụng được điều hành phù hợp, hướng tín dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên.
Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5%. Vốn FDI thực hiện ước đạt 21-22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4-11,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2022 ước tăng 10,7%, là động lực để nền kinh tế đẩy nhanh việc mở rộng năng lực sản xuất trong thời gian tới.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị quan trọng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển nhiều thị trường quan trọng như vốn, lao động, bất động sản...
Đồng thời, làm tốt công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân tiếp tục được ban hành và triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách với người có công, các chính sách bảo trợ xã hội mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế...
Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tập trung trong những tháng cuối năm 2022, Báo cáo nêu 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng cuối năm để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu đề ra. Trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19.
Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ; quan tâm, chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội; có các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động…
Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, báo cáo của Chính phủ xác định mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới.
Quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Từ mục tiêu nêu trên, Chính phủ xác định 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó: (1) Tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; (2) GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; (3) Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%; (4) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; (5) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%; (6) Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%; (7) Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; (8) Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%...
Làm rõ hơn việc nới chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, ước thực hiện cả năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội đạt và vượt mục tiêu, đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo; đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Về các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023, Ủy ban kinh tế đề nghị làm rõ hơn việc nới chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 lên 4,5%. Đồng thời xem xét, đánh giá kỹ việc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước; tính khả thi của chỉ tiêu số bác sĩ và số giường bệnh trên 1 vạn dân; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Ủy ban Kinh tế đề nghị tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể là kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.
Nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả của đầu tư công; phối hợp linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với quy mô phù hợp và được chủ động điều chỉnh để phù hợp với tốc độ phục hồi nền kinh tế.
Đối với các chính sách an sinh xã hội, nghiên cứu mở rộng đối tượng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức; đơn giản hóa và cụ thể hóa các tiêu chí xác định đối tượng được hưởng trợ cấp.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên thế giới để có kịch bản, phương án ứng phó kịp thời. Giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế nhằm chấm dứt tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế đang diễn ra tại nhiều nơi.
Tăng cường cơ cấu lại nền kinh tế theo các nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Nghị quyết số 31/2021/QH15. Xây dựng giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để khắc phục những hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực như giải ngân vốn đầu tư công. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia.
Tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển mới thông qua thúc đẩy các động lực tăng trưởng theo xu hướng phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, tăng cường môi trường thuận lợi và bảo đảm an toàn trong không gian mạng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí carbon...
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/khang-dinh-su-chi-dao-dieu-hanh-quyet-liet-bai-ban-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-102221011102712737.htm