Theo Sở Thông tin và Truyền thông Long An, qua 10 năm triển khai Nghị quyết 36, xếp hạng chỉ số chuyển đổi số của Long An tăng dần qua các năm so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước (năm 2020 xếp hạng 27; năm 2021 xếp hạng 21; năm 2022 xếp hạng 11).
Hầu hết các chỉ tiêu quan trọng của Nghị quyết 36 đều được hoàn thành. Nổi bật, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu. Mạng cáp quang băng rộng đã được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt 88,9%. Tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 99,9%; bước đầu tổ chức phát sóng 5G từ năm 2022. Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 83,6%. Đây là nền tảng quan trọng để Long An đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới.
Các nền tảng số, phần mềm dùng chung đưa vào vận hành phát huy hiệu quả, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, kết nối liên thông với các hệ thống của bộ, ngành. Nhờ đó, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp được nâng lên. An toàn, an ninh mạng cơ bản đảm bảo. Một số lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, tài chính… từng bước xây dựng các nền tảng và ứng dụng công nghệ số. Doanh nghiệp từng bước chuyển đổi số với nhiều hình thức hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số và internet, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, Long An vẫn gặp một số khó khăn như: Chưa phát huy được tối đa dữ liệu đã được chia sẻ phục vụ cho công tác trong các cơ quan Nhà nước. Nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin tham mưu công tác chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước còn thiếu và yếu, đặc biệt là ở cấp huyện, xã. Hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng còn hạn chế, cần nhiều nguồn lực để đào tạo, tập huấn sử dụng thành thạo các nền tảng số, dịch vụ số để hướng dẫn cho người dân.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Long An kiến nghị, các bộ, ngành chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia (bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp, đất đai…) cần có quy định cụ thể về tính pháp lý, giá trị dữ liệu được chia sẻ; tích cực, chủ động trong chia sẻ dữ liệu để làm căn cứ cho địa phương khai thác, giải quyết công việc, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính. Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Luật Giao dịch điện tử năm 2023; ban hành các thông tư hướng dẫn để làm cơ sở cho địa phương sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và tổ chức thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đánh giá những kết quả Long An đạt được thời gian qua khá ấn tượng; ghi nhận những kiến nghị của địa phương, tổng hợp và trình Trung ương.
Ông Phạm Đức Long cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan Trung ương (Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) tổ chức Đoàn công tác liên ngành làm việc, khảo sát thực tế tại 9 địa phương trên cả nước để trao đổi nắm thông tin từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết 36. Từ đó, Bộ triển khai nhiệm vụ xây dựng 2 Đề án trình Bộ Chính trị trong tháng 9/2024 gồm: Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Đề án Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/khao-sat-ket-qua-thuc-hien-nghi-quyet-36-phuc-vu-xay-dung-hai-de-an-trinh-bo-chinh-tri-20240711220154755.htm