Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Khó khăn của doanh nghiệp khi thu hồi nợ từ các chủ thể nước ngoài

Khó khăn của doanh nghiệp khi thu hồi nợ từ các chủ thể nước ngoài
Trong bối cảnh kinh doanh hội nhập, việc thu hồi nợ từ chủ thể nước ngoài đối với doanh nghiệp trở thành một thách thức lớn. Để vượt qua những khó khăn này, doanh nghiệp cần có sự tư vấn và hỗ trợ từ văn phòng luật sư, nhằm xây dựng chiến lược hiệu quả, đảm bảo quyền lợi và đạt được kết quả tốt trong quá trình thu hồi nợ từ các chủ thể nước ngoài.

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, việc buôn bán kinh doanh trong và ngoài nước diễn ra thường xuyên. Bên cạnh những giao dịch đầy tiềm năng cũng có những rủi ro tiềm ẩn bên trong. Việc đẩy mạnh kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước dẫn đến các khoản nợ phát sinh ngày càng nhiều. Đặc điểm của những khoản nợ này là yếu tố nước ngoài, theo đó việc thu hồi nợ cũng có những khó khăn và khác biệt nhất định. Thậm chí, nếu không am hiểu, áp dụng pháp luật và xử lý một cách linh động và khéo léo thì các doanh nghiệp thu hồi nợ rất có thể gặp những vướng mắc gây tốn kém thêm nhiều thời gian, chi phí và các khó khăn khác. Phóng viên Diễn đàn Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Thực trạng khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải khi thu hồi nợ từ bên nợ nước ngoài

“Đối với hầu hết các quy định của pháp luật nước ngoài thì việc yêu cầu bên nợ thanh toán là một quyền dân sự hợp pháp, vì đối với các công nợ phát sinh thông qua hợp đồng, thỏa thuận mua bán hợp pháp thì khi một bên đã hoàn tất nghĩa vụ bán hàng/cung cấp dịch vụ thì bên còn lại sẽ phải có nghĩa vụ thanh toán giá trị hàng hóa/dịch vụ đó. Như vậy, phải khẳng định, quyền thu hồi nợ là một quyền hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam đối với các bên nợ nước ngoài” - Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay.

Khó khăn của doanh nghiệp khi thu hồi nợ từ các chủ thể nước ngoài
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự.

Vậy những khó khăn mà doanh nghiệp thường xuyên gặp phải khi thu hồi nợ từ các bên nợ nước ngoài là gì? Theo Luật sư Hà, điều đầu tiên chắc chắn khi giải quyết thu hồi công nợ từ các chủ thể nước ngoài mà doanh nghiệp gặp phải là rào cản về ngôn ngữ. Tiếng Anh là một ngôn ngữ thông dụng và hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều có thể sử dụng để giải quyết tranh chấp một cách thành thạo, tuy nhiên cũng có rất nhiều bên nợ không thể giao tiếp bằng tiếng Anh mà bằng các ngôn ngữ khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Do đó, để khắc phục rào cản từ một chủ thể sử dụng ngôn ngữ thứ ba ngoài tiếng Việt và tiếng Anh thì doanh nghiệp sẽ cần bỏ ra nhiều thời gian và chi phí hơn để tìm giải pháp có thể giao tiếp với bên nợ. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể lựa chọn phương án hiệu quả hơn là sử dụng dịch vụ thu hồi nợ từ các công ty luật có kỹ năng trong việc sử dụng đa ngôn ngữ để thu hồi nợ. Khi đó công ty luật sẽ đồng thời thay mặt doanh nghiệp liên hệ với bên nợ bằng ngôn ngữ phù hợp để giải quyết bất đồng ngôn ngữ.

Một vấn đề khác khi thu hồi nợ từ chủ thể nước ngoài đó là khó xác định được chính xác địa chỉ, tư cách pháp lý của bên nợ. Nếu như ở Việt Nam, thông tin về các doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hoặc có thể đi đến địa chỉ doanh nghiệp để xác minh thực tế; thì đối với bên nợ là chủ thể nước ngoài, việc xác định được địa chỉ trụ sở, đại diện theo pháp luật, mã số doanh nghiệp và các thông tin pháp lý khác lại là một việc rất khó khăn, đòi hỏi nhiều kỹ năng tìm kiếm và nghiên cứu, do các thông tin này có thể không tra cứu dễ dàng trên mạng hoặc không công khai. Do đó, các công ty luật sẽ sử dụng nghiệp vụ của mình để tìm kiếm, xác định chính xác các thông tin pháp lý của bên nợ nhằm đảm bảo việc thu hồi công nợ hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn thẩm quyền giải quyết tranh chấp cũng là khó khăn khi thu hồi nợ từ chủ thể nước ngoài. Trong trường hợp các bên đồng ý việc áp dụng pháp luật và cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài thì đồng nghĩa với việc không thể lựa chọn áp dụng pháp luật Việt Nam và giải quyết tranh chấp tại các cơ quan thẩm quyền ở Việt Nam. Do việc hiểu và áp dụng các quy định pháp luật nước ngoài không phải là công việc đơn giản nên doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc xác định quyền lợi của mình. Doanh nghiệp Việt Nam cũng nên cân nhắc sử dụng dịch vụ pháp lý từ một công ty luật tại quốc gia mà pháp luật nước đó được chọn để giải quyết tranh chấp.

Văn phòng hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn khi thu hồi nợ từ bên nợ nước ngoài

Luật sư Hà cũng đưa ra ví dụ về trường hợp doanh nghiệp gặp phải khó khăn khi thu hồi nợ từ công ty nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam A (giấu tên) đã bỏ ra khoảng thời gian 2 năm để thu hồi số nợ gần 1 triệu USD đối với con nợ tại Mỹ, vụ việc này hiện vẫn đang tiến hành. Khó khăn gặp phải đó là do bên nợ là người nước ngoài nên rất khó để gặp và trao đổi trực tiếp, cũng chính vì điều đó nên bên nợ gây khó dễ và không coi trọng phía doanh nghiệp Việt Nam, đòi kiện ngược lại vì cho rằng phía Việt Nam đang đòi nợ trái pháp luật Mỹ. Là đại diện pháp luật cho phía doanh nghiệp A, công ty luật bắt buộc phải hợp tác với một văn phòng luật sư ở nước sở tại để tiến hành kiện con nợ, kéo theo chi phí sẽ rất tốn kém. 

Theo quy định tại Luật thu hồi nợ công bằng (Fair Debt Collection Practices Act – FDCPA) được áp dụng trên hầu hết các bang tại Hoa Kỳ có quy định cụ thể về các điều kiện thu hồi nợ như: Thời gian liên hệ để liên lạc, tiếp xúc với bên nợ trong khoảng thời gian trước 8h sáng hoặc sau 9h tối; Bên nợ có quyền từ chối làm việc, gặp gỡ, trả lời bên thu hồi nợ; Nghiêm cấm việc bên thu hồi nợ liên hệ với bên thứ ba có liên quan đến bên nợ để tác động; Bên thu hồi nợ cấm được tiến hành các biện pháp quấy nhiễu, đe dọa bên nợ hoặc bất cứ bên thứ ba nào liên quan đến bên nợ để thực hiện việc thu hồi nợ.

Khó khăn của doanh nghiệp khi thu hồi nợ từ các chủ thể nước ngoài
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc thu hồi nợ từ chủ thể nước ngoài đối với doanh nghiệp trở thành một thách thức lớn.

“Nếu doanh nghiệp tiến hành các công việc thu hồi nợ bên nợ tại Mỹ nhưng không biết về các quy định tại FDCPA thì có thể bị bên nợ tố giác hoặc khởi kiện vì thực hiện hoạt động thu hồi nợ trái với quy định tại FDCPA. Trong trường hợp này, công ty luật có thể cho doanh nghiệp các bước tiến hành công việc thu hồi công nợ phù hợp với quy định tại FDCPA để đảm bảo không trái với quy định của pháp luật Hoa Kỳ. Đồng thời có thể tiến hành tra cứu, xác minh các thông tin pháp lý, đội ngũ nhân viên và luật sư của công ty luật có thể tiến hành liên hệ bằng hoặc email bằng tiếng Anh để yêu cầu bên nợ phải thanh toán. Ngoài ra, công ty luật sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật Hoa Kỳ để đưa ra đề nghị thanh toán phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp khi tiến hành thu hồi nợ” - Luật sư thông tin.

Như vậy, có thể thấy được việc thu hồi nợ đối với bên nợ là các chủ thể nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, quá trình này, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu và dự tính trước các hạn chế, rủi ro mà mình gặp phải, có thể nhờ đến sự hỗ trợ của các công ty luật để có sự chuẩn bị tốt trong quá trình thu hồi nợ để mọi việc diễn ra hiệu quả hơn. 

Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25022 sec| 658.398 kb