Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, kinh tế phục hồi tích cực nhờ phổ quát vaccine kịp thời giúp mở cửa, khôi phục hoạt động kinh tế an toàn. Tăng trưởng GDP so với cùng kỳ năm 2021 là 6,42%.
So với cùng kỳ năm 2021, CPI bình quân 6 tháng tăng 2,44%, tăng tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước dịch. Việc thực hiện đồng bộ giải pháp tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô khác đã góp phần bảo đảm nguồn cung, kiềm chế đà tăng giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, hàng hóa trong nước; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng; chủ động phương án cấp điện ổn định, an toàn. Lạm phát cơ bản bình quân 1,25%, thấp hơn đáng kể so với lạm phát chung cho thấy lạm phát nhập khẩu là nguyên nhân chính trong mức tăng CPI.
Tuy nhiên, lạm phát có xu hướng tăng nhanh, dự kiến so với cùng kỳ sẽ vượt 4% trong nửa cuối năm 2022. Đáng chú ý, giá hàng hóa đầu vào đã tác động vòng hai lên lạm phát (tháng 5 và 6 so với tháng trước, hầu hết các nhóm hàng trong rổ CPI đều tăng giá, chỉ có 1-2 nhóm giảm; mức tăng theo tháng của lạm phát cơ bản từ tháng 3 đến tháng 6 ở mức cao 0,29-0,44% so với mức phổ biến chỉ 0,1-0,2% giai đoạn 2017 – 2021).
Bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chỉ thị 01/CT-NHNN về các giải pháp của ngành Ngân hàng nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Ngân hàng nhà nước đã điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Nổi bật là điều tiết thanh khoản nhằm ổn định thị trường tiền tệ trước những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong điều kiện mặt bằng lãi suất thế giới tăng nhanh, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thời gian qua, trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Ngân hàng Nhà nước phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn; và đang rất nỗ lực để vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa giải quyết các vấn đề phía Mỹ quan ngại. Tại phiên làm việc tháng 4/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã thể hiện sự nghiêm túc của Ngân hàng Nhà nước trong việc giải quyết các quan ngại của phía Mỹ, duy trì được ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hết sức khó khăn. Ngày 10/6/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, trong đó tiếp tục ghi nhận những nỗ lực này của Ngân hàng Nhà nước và tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, đảm bảo an toàn hệ thống. Đến 30/6, tín dụng tăng 9,35% so với cuối năm 2021 (cao hơn cùng kỳ năm 2020-2021) và tăng 16,69% so với cùng kỳ 2021 do cầu tín dụng tăng ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế so với cùng kỳ năm 2021.
Về kết quả các giải pháp hỗ trợ người lao động, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ông Đào Minh Tú cho biết, đến cuối tháng 5/2022, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là trên 709 nghìn tỷ đồng với hơn 1,07 triệu khách hàng, dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là 189,9 nghìn tỷ đồng với 650,2 nghìn khách hàng. Lũy kế giá trị nợ được miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ là 91.402 tỷ đồng với gần 534,5 nghìn khách hàng. Dư nợ được miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ còn 17.744 tỷ đồng với gần 169 nghìn khách hàng.
Đến ngày 31/3/2022 (thời điểm dừng giải ngân tái cấp vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách xã hội 4.787 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho vay người sử dụng lao động để hỗ trợ 1,2 triệu lượt người lao động.
Triển khai nhóm chính sách cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến ngày 11/7, đã tổ chức phát hành thành công trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ bảo lãnh với tổng số tiền là 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 9.014 tỷ đồng, trong đó: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 6.875 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến 670 tỷ đồng; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 1.313 tỷ đồng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là 156 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro. Trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát nợ xấu, kế hoạch xử lý nợ xấu để bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục được duy trì ở mức an toàn, cuối tháng 5/2022 là 1,55%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 2,85% (cuối năm 2021 là 2,87%).
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/kiem-soat-lam-phat-cung-ung-du-von-cho-phuc-hoi-phat-trien-kinh-te-20220712164334436.htm