Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Kiểm toán Nhà nước

Kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Kiểm toán Nhà nước
Mục đích của đợt kiểm tra nhằm xử lý, kiến nghị nghiêm hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, né tránh, từ chối kết luận giám định, định giá mà không có căn cứ; nâng cao hiệu quả giám định, định giá.

Kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Kiểm toán Nhà nước
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn phát biểu tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 13/6, thực hiện Kế hoạch số 18-KH/BCĐTW, ngày 23/3/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đoàn kiểm tra số 4 của Ban Chỉ đạo do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm Trưởng Đoàn công bố Quyết định và Kế hoạch kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực đối với Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước.

Tham gia đoàn kiểm tra có ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó trưởng Đoàn; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.

Về phía Kiểm toán Nhà nước có ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; các Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước.

Đoàn kiểm tra công bố Quyết định và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; công tác giám định, định giá.

Mục đích, ý nghĩa đợt kiểm tra lần này để đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giám định, định giá của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng. Qua đó, phát hiện, kiến nghị xử lý những vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực mà không được xử lý, giải quyết theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; xử lý hoặc kiến nghị nghiêm các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, né tránh, từ chối kết luận giám định, định giá mà không có căn cứ; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả tốt hơn đối với công tác giám định, định giá.

Việc kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả; đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của Ban Chỉ đạo; bảo đảm các quy định hiện hành về phòng, chống dịch COVID-19.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm đánh giá cao công tác chuẩn bị với các chu đáo, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Ban Cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước, cũng như các cơ quan, đơn vị.

Để đảm bảo các nội dung, Đại tướng Tô Lâm đề nghị Ban Cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc diện được kiểm tra phối hợp chặt chẽ với Đoàn Kiểm tra theo đúng mục đích, yêu cầu, chương trình, kế hoạch đã đề ra; chuẩn bị các buổi làm việc, cử người đúng thẩm quyền và thành phần làm việc với đoàn; chuẩn bị báo cáo, tài liệu đầy đủ; cử đại diện lãnh đạo tham gia các buổi làm việc của đoàn trong quá trình làm việc với các cấp ủy, tổ chức đảng và các đơn vị được kiểm tra.

Trong thời gian làm việc, Đoàn kiểm tra trực tiếp làm việc với các cơ quan, đơn vị theo Kế hoạch; nghe cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thuộc diện kiểm tra báo cáo, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan, yêu cầu cung cấp bổ sung tài liệu và làm việc với các đơn vị có liên quan...

Đối với Đoàn Kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra số 4 yêu cầu tập trung kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự đảng trong việc tổ chức, quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

"Thông qua công tác kiểm tra phải đánh giá đúng những kết quả đã làm được, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và rút ra bài học , từ đó kiến nghị Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các chủ trương, giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả đối với công tác trên," Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Đại tướng Tô Lâm lưu ý công tác kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm; thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí; đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng nguyên tắc, đúng quy trình, quy định của Đảng, quy định của Đoàn Kiểm tra đã ban hành; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra.

Căn cứ kết quả kiểm tra, Đoàn sẽ dự thảo Báo cáo kết quả, gửi Ban Cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước tham gia ý kiến; tổ chức Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, sau đó Đoàn báo cáo kết quả lên Ban Chỉ đạo Trung ương theo quy định.

Thay mặt Ban Cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh khẳng định sẽ chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị được kiểm tra phối hợp chặt chẽ, tích cực, chuẩn bị tài liệu phục vụ đoàn kiểm tra./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/kiem-tra-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tai-kiem-toan-nha-nuoc/797561.vnp

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.39558 sec| 654.391 kb