Tại các tỉnh Gia Lai và Quảng Nam, một số cử tri đã nêu ý kiến đánh giá về chất lượng phiên thảo luận và nhiều nội dung liên quan.
Đẩy mạnh cơ chế liên kết vùng
Theo dõi Kỳ họp, cử tri Nguyễn Văn Thông, cán bộ hưu trí phường Hoa Lư, thành phố Pleiku (Gia Lai) cho biết, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành mạch lạc, linh hoạt, đúng quy trình. Các đại biểu tham gia ý kiến đã thẳng thắn nêu ra những vấn đề cử tri đề đạt, mong muốn Quốc hội sớm có những quyết sách, giải pháp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
Theo ông Thông, vấn đề người dân Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng quan tâm cũng được nhiều đại biểu Quốc hội nêu trong phần phát biểu của mình. Đó là, vùng Tây Nguyên cần hình thành những vùng nguyên liệu nông sản chất lượng cao để đánh giá đúng tiềm năng, chất lượng của nông sản Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội chung của vùng.
Hiện nay, Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Một số sản phẩm như cà phê, cao su, tiêu, điều, khoai lang..., tuy đang đứng đầu hoặc trong nhóm hàng đứng đầu thế giới nhưng vẫn bị phụ thuộc quá lớn vào sự biến động của giá cả thị trường thế giới hoặc thị trường Trung Quốc, châu Âu...
Để tận dụng những cơ hội, cũng như khắc phục hạn chế về nông sản, ông Thông cho rằng, Tây Nguyên cần đẩy mạnh cơ chế liên kết vùng, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng; liên kết chặt chẽ với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và các nước lân cận. Đồng thời, Tây Nguyên cần thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư vào các vùng trồng các sản phẩm chủ lực; khuyến khích người dân áp dụng các kỹ thuật đảm bảo các tiêu chuẩn trong khâu thu hoạch, phơi sấy, phân loại; qua đó, đáp ứng yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và các biện pháp bảo hộ nghiêm ngặt của các thị trường lớn có sức mua cao như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản.
Cử tri Quảng Nam đồng thuận cao với ý kiến của đại biểu Quốc hội
Ông Huỳnh Văn Bến, cử tri khu phố Phú Ân, phường An Phú, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) cho rằng, nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận được cử tri quan tâm theo dõi như giáo dục, đầu tư - kinh doanh, đầu tư công... Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường học, bếp ăn tập thể và công tác phòng, chống cháy nổ chưa được quan tâm đúng mức khiến thời gian qua có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, cháy nổ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhiều người dân tại một số địa phương, gây hoang mang trong dư luận,… Tuy nhiên, nhờ có sự điều hành hết sức khoa học của Chính phủ, các địa phương nên tình hình kinh tế - xã hội và đời sống người dân tỉnh Quảng Nam dần ổn định, hồi phục.
Đồng quan điểm, cử tri Nguyễn Ngọc Thùy, Trưởng khu phố Phú Ân cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường khiến số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự điều chỉnh các chính sách hỗ trợ kịp thời nên hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh dần ổn định, phát triển.
Ông Lê Văn Quận, cử tri khu phố Mỹ Thạnh Bắc, phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ chia sẻ, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh, gây nhiều khó khăn cho đời sống của người dân, nhưng nhìn chung những tháng đầu năm 2024 tình hình đã dần ổn định, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống,... "Chúng tôi mong đại biểu Quốc hội đề ra nhiều giải pháp, chính sách hơn nữa để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất - kinh doanh, phát triển cuộc sống", ông Quận nói.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/kinh-te-xa-hoi-phat-trien-nho-chinh-sach-ho-tro-hieu-qua-20240529195103256.htm