Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Không bỏ lọt, bỏ sót đối tượng vi phạm

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Không bỏ lọt, bỏ sót đối tượng vi phạm
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 5/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực thanh tra. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải trình vấn đề các đại biểu nêu.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Không bỏ lọt, bỏ sót đối tượng vi phạm
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu mở đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực thanh tra, cụ thể: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng; công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra; giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong Nhân dân; công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cấp.

Khó khăn do lực lượng làm công tác thanh tra trực tiếp còn ít

Phát biểu về vấn đề chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, những năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra đã cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào thành tựu chung của cả nước, được dư luận đồng tình, đánh giá cao…

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) về việc Thanh tra Chính phủ hiện có 408 công chức nhưng chỉ có 200 cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, ngành Thanh tra cũng đã cố gắng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần của Ban Chỉ đạo, cũng như của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trong 10 năm qua, thanh tra đã triển khai tập trung vào một số lĩnh vực có nhiều thông tin về tiêu cực, tham nhũng và đã kiến nghị thu hồi được số tiền hơn 461 nghìn tỷ đồng và hơn 75 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý hơn 44 nghìn tập thể, cá nhân, chuyển 1.135 vụ và 1.156 đối tượng và kiến nghị sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách còn bất cập…

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, ngoài thanh tra theo kế hoạch hàng năm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo Trung ương giao nhiều công việc thanh tra đột xuất như năm 2022, thanh tra việc mua sắm thiết bị phòng, chống COVID-19 và thanh tra phát hành và sử dụng trái phiếu doanh nghiệp, thanh tra quản lý kinh doanh xăng dầu, khai thác vật liệu xây dựng phục vụ công trình giao thông trọng điểm quốc gia… Tuy nhiên, với lực lượng cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác thanh tra như hiện nay là rất ít nên gặp khá nhiều khó khăn…

Về chất lượng đội ngũ, đạo đức công vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua cán bộ thanh tra cơ bản chấp hành tốt các quy định, tuy nhiên có một số trường hợp còn xảy ra vi phạm. Tới đây, sẽ có quy định cụ thể về những việc cán bộ thanh tra không được làm, không bỏ lọt, bỏ sót đối tượng vi phạm để chuyển cơ quan điều tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ có quy chế tổ chức hoạt động các đoàn thanh tra, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương, toàn thể người dân phối hợp giám sát để hạn chế tình trạng vi phạm trong hoạt động thanh tra. Về việc phòng, chống tham nhũng trong các đoàn thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để nêu cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra, các thành viên trong các đoàn thanh tra.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Không bỏ lọt, bỏ sót đối tượng vi phạm
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất, quy mô lớn

Trả lời về hoạt động thanh tra đột xuất liên quan các vụ việc tham nhũng đối với câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong thời gian qua đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất, quy mô lớn với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao nhất theo đúng quy định của luật, theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, trong thời gian vừa qua đã có nhiều cuộc thanh tra sản xuất có tính phức tạp, quy mô lớn, có nhiều sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; đã kiến nghị xử lý và chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật. Các cuộc thanh tra đột xuất này đều được tiến hành với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất để kết luận và Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Trả lời câu hỏi về việc phân cấp, phân quyền cho các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết Thanh tra Chính phủ đang thực hiện phân cấp, phân quyền về theo Luật Công chức, viên chức và thực hiện phân cấp thẩm quyền theo các nghị định của Chính phủ theo trên một số lĩnh vực như về công tác tổ chức cán bộ, phân cấp cụ thể cho các đơn vị sự nghiệp, về công tác tài chính thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước. 

Mặc dù việc phân cấp cho các đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra không được Luật quy định song trong chỉ đạo điều hành thì Thanh tra Chính phủ đã có một số nội dung thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền. Đó là giao trách nhiệm cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ động chủ trì cuộc thanh tra, chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch thanh tra, xây dựng quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra, giám sát hoạt động thanh tra và trực tiếp tham gia ý kiến vào báo cáo kết quả thanh tra cũng như dự thảo kết luận trước khi trình Tổng Thanh tra Chính phủ.

Hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng

Trả lời đại biểu Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) về giải pháp căn cơ trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong , đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp nên luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã là thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ là năm sau cao hơn năm trước. 9 tháng của năm 2022, thanh tra tiến hành là đôn đốc, thanh tra 5.586 kết luận thanh tra. Qua đó, thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 60% và gấp đôi so với năm 2021.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Không bỏ lọt, bỏ sót đối tượng vi phạm
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, tỷ lệ thu hồi tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung giải pháp khắc phục như hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản nhũng. Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý. Sau thanh tra thi hành án và kịp thời tháo gỡ khó khăn những quá trình thu hồi và tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng.

Về xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán đã phối hợp với nhau để từng bước khắc phục, xử lý chồng chéo. Cơ quan Thanh tra và cơ quan Kiểm toán đã phối hợp ban hành quy chế phối hợp triển khai, xử lý chồng chéo từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra cũng như tổ chức thực hiện thanh tra. Trong quá trình tổ chức thanh tra nếu phát hiện ra sự chồng chéo thì giữa 2 cơ quan có sự bàn bạc, trường hợp không xử lý được sẽ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước để trực tiếp trao đổi, thống nhất xử lý.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết thêm trong thời gian tới, sẽ sửa đổi Luật Thanh tra để có quy định về xử lý chồng chéo. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì với bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Về lâu dài, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu hoàn thiện pháp luật thanh tra, kiểm toán theo hướng là quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-tri/ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xv-khong-bo-lot-bo-sot-doi-tuong-vi-pham-20221105124330558.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.38435 sec| 670.906 kb