Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 23/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Minh bạch trong quản lý nhà nước về giá

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đến nay, dự thảo luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế; chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước.

Bên cạnh đó, dự thảo luật đã làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình; quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện; giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư. Dự thảo luật cơ bản thể hiện ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về áp dụng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm rà soát kỹ; nghiên cứu các luật và dự thảo luật liên quan, chỉnh lý Điều 3 nhằm bảo đảm bao quát về phạm vi điều chỉnh, tuyệt đối không tạo khoảng trống pháp lý; bảo đảm tính thống nhất với pháp luật liên quan; tuân thủ nguyên tắc áp dụng luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, sở hữu trí tuệ, điện, học phí, dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh, nhà ở, dự thảo luật đã quy định rõ những vấn đề được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, giá là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, ổn định thị trường. Do đó, các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá cần được quy định cụ thể trong luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, hạn chế tối đa sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước đến quy luật cung cầu. Vì vậy, để đúng với chức năng nhiệm vụ của cơ quan dân cử, đáp ứng tính linh hoạt, kịp thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo: giữ như quy định của Luật hiện hành, Quốc hội quyết định Danh mục (Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định); bổ sung Phụ lục 01 quy định cụ thể những mặt hàng bình ổn giá, bảo đảm công khai, minh bạch; chỉnh lý các quy định có liên quan tại các điều, khoản khác để đảm bảo tính tương thích.

Về Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến từng bộ, ngành liên quan; rà soát thận trọng; đánh giá cụ thể từng mặt hàng trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Đến nay, Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá gồm 10 mặt hàng.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong điều kiện hiện nay nên duy trì quỹ; đồng thời đề nghị cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng, dầu; đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả trong điều hành, đồng thời đánh giá kỹ việc thực hiện Nghị định 95/2021/NĐ-CP; sớm đưa giá xăng, dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.

Về dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là cần thiết. Đối với “mức giá 0 đồng”, thực chất, không có loại vé máy bay này vì Thông tư 17/2019/TT-BGTVT quy định rõ nguyên tắc định giá vé cho 1 vé máy bay, theo đó phải bao gồm các khoản thuế, phí theo quy định. “Mức giá 0 đồng” là chưa gồm thuế, phí và thực tế người vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định.

Làm rõ quy định về Hội đồng thẩm định giá

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, những quy định trong luật đã cơ bản tháo gỡ được các vấn đề khúc mắc trong thẩm định giá, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thị trường lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tuy nhiên, đối với quy định về Hội đồng thẩm định giá, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho rằng, dự thảo luật quy định, Hội đồng thẩm định giá có ít nhất 50% thành viên, bao gồm Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá, có chứng nhận chuyên môn, là chưa đảm bảo điều kiện, năng lực để thực hiện quy trình, thủ tục thẩm định giá. Trong khi đó, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá rất nặng, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác đối với kết quả thẩm định giá cũng như về ý kiến nhận định, đánh giá của mình.

"Vì vậy, các thành viên của Hội đồng thẩm định giá phải có chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ về giá, nhất là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá, là yêu cầu bắt buộc. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng thẩm định giá nhà nước", đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nêu.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Hà Nội) đề xuất, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá phải là công chức, viên chức để đảm bảo chất lượng của Hội đồng thẩm định giá cũng như đảm bảo điều kiện để mỗi thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ khi tham gia Hội đồng thẩm định giá. Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về cách thức hoạt động của Hội đồng thẩm định giá từ nay đến khi quy định về thành phần Hội đồng thẩm định giá có hiệu lực thi hành, từ ngày 1/1/2026 tại Điều 74 của dự thảo Luật.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, các quy định về nhân lực thực hiện thẩm định giá rất cần được Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh cho tương thích, thống nhất. Vì thực tế, muốn trở thành thành viên Hội đồng thẩm định giá của nhà nước hay ngoài nhà nước đều phải tuân thủ quy định có nghiệp vụ thẩm định giá. Đại biểu cũng kiến nghị nâng tỷ lệ có chứng nhận chuyên môn từ 50% lên 70% thành viên Hội đồng thẩm định giá; đồng thời, kiến nghị xem xét, sửa đổi hình thức chứng nhận chuyên môn theo hướng tích hợp trong đào tạo, bồi dưỡng.

Để người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận dịch vụ hàng không nội địa

Tại cuộc họp, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay hay giữ giá trần vé máy bay được các đại biểu Quốc hội tranh luận. Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay nội địa để tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác như vận tải đường bộ, đường sắt; đồng thời đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Đại biểu cho rằng, vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu, bởi hiện nay, tỷ trọng vận tải hàng không nội địa thấp hơn nhiều so với vận tải đường bộ. Về thực tiễn, giá nhiên liệu đã gây sức ép đối với các hãng hàng không làm tổng chi phí tăng cao, đặc biệt trong năm 2022. Do đó, vấn đề giá vé máy bay cao trong giai đoạn cao điểm phản ánh đúng quy định thị trường và quy luật cung cầu.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đồng ý với quan điểm giữ giá trần vé máy bay để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhất là người có thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ hàng không. Đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần quy định rõ, chỉ dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông thuộc danh mục dịch vụ do Nhà nước định giá. Còn hạng thương gia, phổ thông đặc biệt, doanh nghiệp tự định giá theo cơ chế thị trường, để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.

Giải trình, làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc giữ giá trần của hàng không nội địa nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận các dịch vụ hàng không nội địa và giảm chi phí , thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc quy định giá trần của hàng không nội địa nhằm đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước.

Về giá sàn, qua tham khảo quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn. Các hãng hàng không có dải giá rất rộng cho nhiều loại chuyến bay, hạng vé, cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ giá sàn với dịch vụ này.

Về giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sau khi Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đều đồng thuận là bỏ quy định giá sàn sách giáo khoa, chỉ quy định giá trần để đảm bảo quyền lợi của người mua sách.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-xv-bao-dam-tinh-kha-thi-minh-bach-trong-quan-ly-nha-nuoc-ve-gia-20230523193609070.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.31116 sec| 670.359 kb