Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV: Lập đoàn giám sát về bảo vệ môi trường

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV: Lập đoàn giám sát về bảo vệ môi trường
Sáng 21/6, với 448/449 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (chiếm tỷ lệ 91,99% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV: Lập đoàn giám sát về bảo vệ môi trường
Đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn thường trực là ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, và Môi trường của Quốc hội. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua.

Nghị quyết nêu rõ, mục đích giám sát là nhằm đánh giá việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2024. Còn đối tượng giám sát là Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Nội dung giám sát là việc ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trước đó, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy, tính đến 17 giờ ngày 17/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 314 văn bản ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Trong đó, 291 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 23 đại biểu có ý kiến cụ thể.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, có một số ý kiến cho rằng, giới hạn nội dung giám sát tại dự thảo Nghị quyết quá hẹp so với phạm vi của Luật Bảo vệ môi trường, đề nghị bổ sung nội dung giám sát để phù hợp với tính chất chuyên đề giám sát của Quốc hội. Ý kiến khác đề nghị không giới hạn nội dung giám sát tại Nghị quyết này, trọng tâm giám sát do Đoàn giám sát xác định và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xây dựng kế hoạch giám sát chi tiết và các đề cương báo cáo.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại khoản 2 và khoản 4 Điều 2 dự thảo Nghị quyết không giới hạn nội dung giám sát cụ thể về hoạt động kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, để bảo đảm giám sát có trọng tâm, trọng điểm, căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát xây dựng kế hoạch giám sát chi tiết với các nội dung cụ thể về mục tiêu, phạm vi, nội dung, phương thức giám sát và các đề cương báo cáo cho phù hợp.

Đối với một số ý kiến đề nghị tại các tỉnh, thành phố mà Đoàn giám sát của Quốc hội dự kiến tiến hành giám sát trực tiếp thì Đoàn đại biểu Quốc hội không tổ chức giám sát mà cử đại diện tham gia Đoàn giám sát; đối với các tỉnh, thành phố khác thì Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát và gửi báo cáo kết quả về Đoàn giám sát của Quốc hội.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ kinh nghiệm triển khai các chuyên đề giám sát từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay và tại Kỳ họp này, qua phiên chất vấn và các phiên thảo luận về kinh tế - , kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, có thể thấy nội dung chuyên đề về bảo vệ môi trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri, nhân dân và các vị đại biểu Quốc hội. Báo cáo kết quả giám sát của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và báo cáo của các cơ quan là căn cứ quan trọng để Đoàn giám sát lựa chọn các cơ quan, địa phương đến giám sát trực tiếp. Do đó, để hoạt động giám sát chuyên đề này được triển khai toàn diện, sát với thực tiễn, sự tham gia giám sát của tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cần thiết.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-tri/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-lap-doan-giam-sat-ve-bao-ve-moi-truong-20240621093908379.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.27983 sec| 647.281 kb