Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Làm rõ khái niệm chuyên môn, chuyên ngành trong dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Làm rõ khái niệm chuyên môn, chuyên ngành trong dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Chiều 28/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Làm rõ khái niệm chuyên môn, chuyên ngành trong dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tiếp thu, giải trình về dự án Luật tại hội nghị.

Trước đó, vào cuối giờ phiên họp buổi sáng 28/8, trình bày tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu , Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tại phiên họp thứ 25, tháng 8/2023, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng (CTQP) và khu quân sự (KQS) sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5. 

Ngay sau Phiên họp, Thường trực UBQPAN đã phối hợp với cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật theo ý kiến UBTVQH và đã có Báo cáo số 1306/BC-UBQPAN15 trình tại Hội nghị Quốc hội hoạt động chuyên trách. 

Về giải thích từ ngữ, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để bảo đảm cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo ngay trong giải thích, bảo đảm thống nhất với khái niệm “Khu quân sự” và các nội dung của dự thảo Luật, Thường trực UBQPAN đã chỉnh lý lại khái niệm CTQP; đồng thời, bổ sung nội dung “CTQP có thể nằm trong hoặc ngoài KQS” cho rõ nghĩa như khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Về khái niệm “Khu quân sự”, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã chỉnh lý lại khái niệm này, đồng thời rà soát, chỉnh lý lại quy định tại Điều 16 (dự thảo Chính phủ trình) cho thống nhất, chặt chẽ, khả thi như Điều 17 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Đối với quy định về phân loại, phân nhóm CTQP và KQS, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đã phối hợp với cơ quan soạn thảo dự án Luật rà soát kỹ lưỡng cách phân loại, phân nhóm CTQP và KQS để quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện. Theo đó, đề nghị cho tách Điều 5 thành 2 điều: Điều 5 quy định CTQP và KQS được phân loại theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng; Điều 6 quy định CTQP và KQS được phân nhóm theo tính chất quan trọng, yêu cầu quản lý, bảo vệ.

Về công trình lưỡng dụng, có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật thiếu cụ thể, rõ ràng, khó thực hiện và chưa thống nhất với quy định về “công trình lưỡng dụng” tại Nghị định 164/2018/NĐ-CP, ngày 21/12/2018 của Chính phủ; đề nghị xác định công trình lưỡng dụng ngay từ khi có chủ trương đầu tư; quy định cụ thể về thẩm quyền chuyển công trình lưỡng dụng sang mục đích quân sự, dân sự hoặc đồng thời cho cả mục đích quân sự, dân sự; quy định về chính sách và việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phát triển kinh tế - và phải được Bộ Quốc phòng đăng ký quản lý hồ sơ. 

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để thống nhất với Luật Quốc phòng, Thường trực UBQPAN đã thu hút quy định tại khoản 17 Điều 2 và khoản 5 Điều 3 để xây dựng Điều 7 (Công trình lưỡng dụng) như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ và rà soát quy định tại khoản 3 về thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc chuyển mục đích sử dụng CTQP và KQS bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đất đai năm 2013 cũng như Luật Đất đai đang sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội, để UBND cấp tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đối với đất quốc phòng KQS sang mục đích khác thì khu đất quốc phòng đó phải thuộc danh mục đất quốc phòng chuyển mục đích sử dụng, bàn giao cho địa phương quản lý để phát triển kinh tế - xã hội trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và phương án sắp xếp nhà đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Vì vậy, quy định về thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng CTQP và KQS sang mục đích khác tại dự thảo Luật là phù hợp, để tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến việc thu hồi đất quốc phòng đối với các trường hợp khu đất quốc phòng cần thu hồi chưa thuộc danh mục chuyển mục đích sử dụng trong Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm khắc phục một số bất cập hiện nay trong chuyển mục đích sử dụng và thu hồi đất quốc phòng, đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

Hiện nay, Luật Đất đai đang được sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật đất đai (sửa đổi) phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu sửa đổi nội dung về chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có việc chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng sang mục đích khác để thống nhất với dự thảo Luật này, với hệ thống pháp luật hiện hành và các dự thảo Luật đang trình Quốc hội về thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng CTQP và KQS sang mục đích khác (bao gồm cả chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng).

Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội Lê Tấn Tới cũng giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự; xử lý công trình, vật kiến trúc; quản lý, sử dụng đất, mặt nước trong phạm vi bảo vệ CTQP và KQS.

Làm rõ khái niệm chuyên môn, chuyên ngành trong dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Góp ý dự án Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng, trong CTQP có các công trình lưỡng dụng, vừa có tính chất quân sự, vừa có tính chất dân sự, do đó, đại biểu cần xem xét lại việc giải thích rõ khái niệm CTQP. Bên cạnh đó, đại biểu cũng xem xét giải thích khái niệm kho đạn dược trong dự thảo Luật. 

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ một số khái niệm liên quan đến nhiều thuật ngữ chuyên môn, chuyên ngành trong dự thảo luật để đảm bảo công tác thực hiện trong thực tế.

Về chính sách của Nhà nước trong bảo vệ CTQP và KQS, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về Nhà nước có cơ chế khuyến khích huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong tham gia hỗ trợ cho các đối tượng bị hạn chế về quyền sử dụng đất, các quyền và lợi ích khác bị ảnh hưởng khi bảo vệ CTQP và KQS.

Tán thành với việc phân loại, phân nhóm các công trình và khu quân sự, bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị làm rõ các quy định bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt, bảo vệ rất nghiêm ngặt trong quá trình thực hiện bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) đồng tình cao về dự án Luật này và bày tỏ thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ quốc phòng và KQS. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo, đại biểu Nguyễn Tạo góp ý về tính đồng bộ và cho rằng Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, bổ sung chỉnh sửa gọn hơn với tinh thần cầu thị cao hơn. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hơn dự án Luật hiện hành.

Đồng thời dự kiến các nội dung sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới cũng như nâng cấp Pháp lệnh lưỡng dụng. Đại biểu Nguyễn Tạo cũng đề nghị rà soát các luật có liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột và đề xuất các phương án để xử lý một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định chuyển tiếp để bảo vệ các CTQP và KQS để tránh khoảng trống về mặt pháp lý khi triển khai thực hiện Luật. 

Phát biểu giải trình về dự án luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5, kết luận của UBTVQH, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo tổng hợp, tiếp thu, sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý dự thảo, hoàn thiện hồ sơ dự án luật.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực UBQPAN, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của ĐBQH, ý kiến của UBTVQH về dự án luật, đồng thời tổ chức chỉnh sửa dự thảo luật một cách đầy đủ, đúng quy định. Bộ Quốc phòng, cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất cao với báo cáo của UBQPAN về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý một số nội dung lớn về dự thảo luật. 

Đưa ra ý kiến giải trình về một số nội dung cụ thể liên quan đến dự thảo luật, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, sau Hội nghị này, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao, để trình Quốc hội thông qua. Cơ quan soạn thảo cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các ĐBQH trong quá trình triển khai nhiệm vụ để có thể hoàn thiện dự án luật chất lượng, đúng quy trình, đúng thời hạn quy định.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận các ý kiến phát biểu thẳng thắng, trách nhiệm, có chiều sâu, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm cao của đại biểu. Đồng chí Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. ĐBQH đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã cầu thị trong tiếp thu, giải trình.

Các ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục tập trung rà soát làm rõ về giải thích từ ngữ tại Điều 2; bổ sung khái niệm về chuyên môn để dễ hiểu, dễ thực hiện; nghiên cứu kỹ thuật lập pháp cụm từ “kho đạn dược”; làm rõ mức độ bảo vệ nghiêm ngặt, bảo vệ rất nghiêm ngặt; về điểm cao, địa hình có giá trị quân sự; vấn đề đảm bảo phát triển kinh tế xã hội kết hợp quốc phòng, ; rà soát hệ thống pháp luật liên quan đến đất quốc phòng, thu hồi đất quốc phòng, đất lưỡng dụng…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội có báo cáo đầy đủ các ý kiến thảo luận; trên cơ sở ý kiến tham gia của các Đoàn ĐBQH, các cơ quan liên quan, UBTVQH chỉ đạo các cơ quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Tại Kỳ họp thứ 5, đã có 115 lượt ý kiến phát biểu về dự án luật này, trong đó có 100 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 14 ý kiến phát biểu tại hội trường, 1 ý kiến gửi qua văn bản. Thời gian qua, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tổng hợp, tiếp thu ý kiến các đại biểu, chỉnh lý nội dung dự thảo luật báo cáo UBTVQH.

Theo Báo Tin tức

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/lam-ro-khai-niem-chuyen-mon-chuyen-nganh-trong-du-thao-luat-quan-ly-bao-ve-cong-trinh-quoc-phong-va-khu-quan-su-20230828150915188.htm 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.39091 sec| 683.047 kb