Nhiều nội dung quan trọng
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội về việc huy động và xây dựng đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học chuyên ngành luật và hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, tổ chức nghề nghiệp bên ngoài Quốc hội nhằm tăng cường chất lượng nghiên cứu phục vụ hoạt động lập pháp của Quốc hội. Ngày 20/1/2022, tại Nhà Quốc Hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội long trọng tổ chức Lễ ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2026 giữa Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTV Quốc hội và Hội Luật gia Việt Nam. Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Chủ trì và chỉ đạo Lễ ký kết.
Về phía các đồng chí lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội có đồng chí Bùi Văn Cường, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội,Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; cùng các đồng chí Phó Chủ nhiệm, Uỷ ban thường trực của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội.
Về phía Hội Luật gia Việt Nam có: đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; đồng chí Trần Công Phàn; Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch chuyên trách, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam; đồng chí Trần Đức Long, Uỷ viên Đảng đoàn, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Luật gia Việt Nam; đồng chí Lê Thị Kim Thanh, Uỷ viên đảng đoàn, Phó Chủ tịchchuyên trách Hội Luật gia Việt Nam; đồng chí Nguyễn Quang Dũng; Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội Luật gia Việt Nam, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc; Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; và trưởng, phó các ban của Trung ương Hội.
Về phía Viện Nghiên cứu lập pháp có: TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp…
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội. Trong thời gian qua, Viện Nghiên cứu lập pháp và Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã khẩn trương tiến hành trao đổi, đàm phán và đi đến thống nhất chương trình hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Trung ương Hội Luật gia Việt Nam”.
Theo TS. Nguyễn Văn Hiển, mục đích của chương trình hợp tác nhằm tăng cường phối hợp công tác giữa Viện nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam (sau đây gọi là hai Bên) góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi phối hợp.
Phát huy đầy đủ vai trò, thế mạnh của mỗi Bên; nâng cao trách nhiệm của Viện và Hội Luật gia trong các lĩnh vực như công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực luật pháp giai đoạn 2021-2026.
TS. Nguyễn Văn Hiển cho biết, nội dung của chương trình hợp tác tập trung vào 12 nội dung chính: Tham gia xây dựng pháp luật theo quy định của pháp luật hiện hành và văn bản quy phạm pháp luật; Tư vấn, phản biện chính sách, pháp luật trong xây dựng, thẩm tra dự án quy phạm pháp luật theo chương trình hoạt động của Quốc hội; Phối hợp thực hiện đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính; bồi dưỡng kỹ năng đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính; Tham gia giám sát thực hiện chính sách pháp luật, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những vấn đề về xây dựng và thi hành pháp luật; Rà soát, đánh giá việc thi hành pháp luật nhằm phát hiện các vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, những vấn đề mới phát sinh để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện pháp luật.
Khảo sát, nghiên cứu chính sách, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi phối hợp; đề xuất các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện và giám sát việc thực hiện hiệu quả pháp luật trong các lĩnh vực mà Quốc hội quan tâm.
Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm tham vấn, góp ý các dự thảo chính sách, pháp luật theo chương trình hoạt động của Quốc hội; Phối hợp triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mỗi bên; Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ có liên quan trong các lĩnh vực hợp tác; Trao đổi và sử dụng đội ngũ chuyên gia của hai Bên đối với các hoạt động thuộc phạm vi phối hợp; Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực có liên quan đến chức năng nhiệm vụ chung của các bên.
Hai Bên cũng đã thống nhất kế hoạch triển khai hằng năm, phân công trách nhiệm các Bên, cơ quan đầu mối trong việc phối hợp các nội dung hợp tác cụ thể.
Việc sơ kết, tổng kết và đề xuất các giải pháp tiếp tục nhằm tăng cường hợp tác toàn diện, thiết thực và hiệu quả cho giai đoạn 2021-2026.
“Đây là kế hoạch đầy tham vọng nhưng cũng đầy thách thức, Viện Nghiên cứu lập pháp và Trung ương Hội Luật gia Việt Nam rất vinh dự nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự động viên khích lệ của lãnh đạo Quốc hội, trực tiếp là đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, UBTV Quốc hội.
Trong thời gian tới Viện và cơ quan Trung ương Hội rất mong muốn tiếp tục nhận đưc sự quan tâm, động viên, khích lệ của Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Quốc hội”, Viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp bày tỏ.
Xây dựng kế hoạch hàng năm triển khai có hiệu quả
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh, Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Trong suốt thời gian gần 70 năm, Hội Luật gia Việt Nam đã thực hiện đúng tôn chỉ mục đích và làm tròn trách nhiệm với những nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao.
“Trong những nhiệm vụ được giao phó, Hội Luật gia Việt Nam đặc biệt quan tâm đến các nhiệm vụ tham gia hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý. Hội Luật gia Việt Nam đã chủ trì soạn thảo hai đạo luật và đã được Quốc hội thông qua là trọng tài thương mại, trưng cầu ý dân. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa đối với ngành luật. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Hội Luật gia Việt Nam ký kết hợp tác với Viện Lập pháp rất cần thiết, vinh dự cho chúng tôi”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền cho biết.
Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền, Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta đã đánh giá nhiệm vụ rất quan trọng trong vấn đề tiếp tục hoàn thiện, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
“Trong đó, có cải cách tư pháp và cải cách hành chính, đây là những lĩnh vực Hội Luật gia Việt Nam trong thời gian qua và tới đây coi là nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi đã có kế hoạch triển khai những công việc cụ thể nhằm thực hiện nhiệm vụ này.
Với những lý do trên, chúng tôi cho rằng hợp tác với Viện Nghiên cứu lập pháp là việc hết sức cần thiết và cấp bách. Đây cũng là nhiệm vụ nặng nề mà đồng chí Chủ tịch Quốc hội giao phó, tin tưởng Hội Luật gia Việt Nam.
Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng với kinh nghiệm, truyền thống gần 70 năm với trên 67.000 hội viên trên toàn quốc, sẽ làm tròn trách nhiệm và đạt được kết quả tốt đẹp.
Sau buổi ký kết này, chúng tôi sẽ bàn bạc xây dựng chương trình kế hoạch hằng năm để triển khai có hiệu quả”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền bày tỏ.
Tạo điều kiện cao nhất, tối đa để thực hiện tốt quy chế
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ ký kết, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự vui mừng dự lễ ký kết hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tiếp nối truyền thống 76 năm của Quốc hội và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV, đó là Quốc hội phải luôn tự đổi mới, không ngừng hoàn thiện, Quốc hội Khoá XV quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động trên tất cả các lĩnh vực.
Để thực hiện mục tiêu trên, Quốc hội đặc biệt coi trọng cơ chế chuyên gia và đã giao cho Viện Nghiên cứu lập pháp làm đầu mối xây dựng mạng lưới sáng kiến của Quốc hội, huy động tối đa đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực, các ngành, các giới tham gia đóng góp cho hoạt động của Quốc hội. Do đó, hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam thực chất là hợp tác giữa các cơ quan của Quốc hội, của Quốc hội với giới luật gia trong cả nước.
Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, nhiệm kỳ Khoá XV, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19 - KL/TW về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội Khoá XV. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để Quốc hội chủ động hơn nữa trong việc dẫn dắt công tác xây dựng pháp luật, chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa để bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước.
Hiện nay, Đảng đoàn Quốc hội đã và đang hoàn thiện xây dựng 5 chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Quốc hội cũng đang tập trung đẩy mạnh giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật và giám sát việc thực hiện các kết luận giám sát.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vừa qua, với những vấn đề khó, còn ý kiến khác nhau, Lãnh đạo Quốc hội đều giao cho Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của đội ngũ chuyên gia giúp Quốc hội có thêm các luận cứ, cơ sở khoa học và cơ sở trong xem xét, quyết định.
“Như chúng ta đều biết, Hội Luật gia Việt Nam là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp với 67.000 hội viên là các luật gia trong cả nước, tất cả các vùng miền, các lĩnh vực, vùng miền đều có luật gia là hội viên của Hội Luật gia Việt Nam. Hội có tôn chỉ mục đích rất cơ bản là bảo vệ quyền con người, quyền tự do dân chủ của nhân dân, xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong thực tế, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã từng là cơ quan đề xuất, chủ trì soạn thảo một số dự án luật quan trọng trình Quốc hội, đã đóng góp rất nhiều trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật qua các thời kỳ”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chức năng nhiệm vụ của Quốc hội là lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Trọng tâm, nhiệm vụ hàng đầu của Quốc hội là lập hiến và lập pháp, lập pháp gắn chặt với giám sát tối cao, nhất là hiện nay Quốc hội đang đẩy mạnh giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật, thực hiện pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà thực chất là việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn, thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hoá các quy định hiến pháp trong cuộc sống trên các lĩnh vực…
Chủ tịch Vương Đình Huệ đánh giá cao những nội dung phối hợp hợp tác giai đoạn 2021-2026 giữa Hội Luật gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu lập pháp rất toàn diện.
“Chúng tôi rất tin tưởng, kỳ vọng vào cơ chế này với 12 nhiệm vụ trong biên bản hợp tác, đây là điều hết sức quan trọng. Nếu có cơ chế này, chúng ta sẽ thúc đẩy được việc tham gia công tác xây dựng pháp luật theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật…”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội nói: “Lãnh đạo thường vụ Quốc hội cũng như cá nhân tôi tin tưởng rằng với mạng lưới hội viên trải rộng khắp 63 tỉnh thành của Hội Luật gia Việt Nam vừa có trình độ, vừa có kinh nghiệm nhiều năm thì sẽ có nhiều đóng góp thiết thực vào các hoạt động nghiên cứu, góp ý, phản biện chính sách, góp phần thiết thực và hiệu quả vào hoạt động lập pháp, giám sát tối cao vào quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Ý kiến của Hội Luật gia là ý kiến sẽ rất trách nhiệm, có trình độ cao, có các chuyên gia, rất đa dạng, hầu hết tất cả các lĩnh vực đều có, tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… rất khách quan, độc lập. Đây là nguồn chúng ta tranh thủ “chưng cất”, có được những ý kiến này thì sẽ rất có ích cho công tác xây dựng luật”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Viện nghiên cứu lập pháp với trách nhiệm được UBTV Quốc hội giao sẽ làm tốt vai trò là cơ quan trực tiếp, cơ quan đầu mối để thực hiện tốt quy chế phối hợp; khẳng định, Lãnh đạo Quốc hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện chương trình hợp tác giữa hai cơ quan. Cùng với cơ chế hợp tác này, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác với giới chuyên gia trong nước và quốc tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động và đóng góp hiệu quả hơn nữa cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
“Cá nhân tôi tin rằng đây cũng là sự kết hợp rất hay giữa nghiên cứu và thực tiễn, giữa lý thuyết và thực hành. Chắc chắn, hai bên sẽ có nhiều hoạt động, hình thức hợp tác hiệu quả thiết thực, mang lại nhiều đóng góp cho hoạt động của mỗi bên cho hoạt động của Quốc hội và UBTV Quốc hội nói chung… rất trông mong vào sự phối hợp này”, Chủ tịch Vương Đình Huệ bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội cũng gửi lời chúc mừng sự hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu lập pháp, chúc cho sự hợp tác này sẽ tốt đẹp, dài lâu.
Tại buổi lễ, các đồng chí tham dự đã chứng kiến lễ ký kết chương trình hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam.