Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Luật Đất đai (sửa đổi) giải quyết căn cơ vướng mắc, đáp ứng kỳ vọng của cử tri

Luật Đất đai (sửa đổi) giải quyết căn cơ vướng mắc, đáp ứng kỳ vọng của cử tri
Ngày 3/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội bày tỏ kỳ vọng về việc thông qua dự án Luật này có chất lượng, giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực đất đai, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản.

Hệ thống pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất khi được thông qua

Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của , giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều luật khác. Chính vì thế, đây cũng là đạo luật được nhiều tầng lớp nhân dân và đại biểu Quốc hội kỳ vọng sẽ được thông qua, để có thể thay đổi căn bản, khơi thông các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Luật Đất đai (sửa đổi) giải quyết căn cơ vướng mắc, đáp ứng kỳ vọng của cử tri
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo khuôn khổ pháp lý hoàn thiện về đất đai.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã ghi nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội kỳ vọng, khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý, đảm bảo quan hệ thị trường bình đẳng trong sử dụng đất đai cho các doanh nghiệp; nguồn lực đất đai được đưa vào sử dụng hiệu quả hơn và quan hệ giữa 3 bên doanh nghiệp - Nhà nước - người dân sẽ được giải quyết hài hòa.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) bày tỏ, Luật Đất đai là đạo luật cơ bản liên quan đến cuộc sống của người dân và sự phát triển của kinh tế đất nước. Huy động nguồn lực đất đai cho sự phát triển của đất nước là hướng đi quan trọng, đặc biệt là ở quốc gia có trình độ phát triển trung bình như nước ta, cho nên sửa đổi đồng bộ Luật Đất đai với các luật liên quan trở thành giải pháp quan trọng để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế - xã hội thời gian tới. Trong quá trình thảo luận về Luật Đất đai, cử tri cả nước đã tham gia tích cực vào góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 12 triệu lượt ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau, vì đây là bộ luật khó. Cử tri kỳ vọng, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với những giải pháp đột phá.

Luật Đất đai (sửa đổi) giải quyết căn cơ vướng mắc, đáp ứng kỳ vọng của cử tri
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) kỳ vọng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết được khó khăn từ cơ sở.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) đánh giá, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ảnh hưởng đến nhiều đạo luật và tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều nội dung được điều chỉnh sau khi tiếp thu ý kiến tại kỳ họp thứ 5.

Đại biểu đoàn Hoà Bình cho rằng, nhiều nội dung tâm huyết, nhiều vấn đề khó khăn từ thực tiễn trong thực hiện luật đã được tổng hợp, phân tích, đánh giá, giải trình làm rõ. Những vấn đề, nội dung phù hợp cũng đã được Bộ Tài Nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ, tổng hợp, chỉnh sửa cho phù hợp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu cũng như mục đích của việc sửa đổi Luật. Trên cơ sở rà soát những nội dung của Luật Đất đai và các dự án luật có liên quan, Chính phủ đã có Báo cáo số 598/BC-CP ngày 23/10/2023 về một số nội dung  đối với dự thảo Luật Đất đai trong đó tập trung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các điều của dự thảo Luật. Đại biểu mong muốn dự thảo Luật sớm được thông qua để tạo điều kiện cho việc tổ chức thực hiện, giải quyết được những khó khăn từ cơ sở; giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Khơi thông “điểm nghẽn”

Đánh giá về những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có cơ sở để thực hiện được định giá đất sát thị trường khi bỏ khung giá đất. Cùng với đó, quy định bảng giá phải được cập nhật hàng năm. Đây là những cơ sở quan trọng nhất để giá đất sẽ sát hơn với thị trường. Bên cạnh đó, các phương pháp định giá đất trong dự thảo Luật cũng đã đề ra, phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện của Việt Nam. 

Trong luật hiện nay cũng đã lắng nghe ý kiến của cử tri, các lực lượng xã hội và đã liệt kê đưa ra những nhóm dự án nào, những hoạt động nào thuộc diện thu hồi, trường hợp nào thỏa thuận. Tuy nhiên, vẫn chưa có một tiêu chí thực sự thu hồi đất vì lợi ích quốc gia công cộng. Khi có tiêu chí rồi, trong quá trình thực hiện sẽ thuận lợi hơn so với việc liệt kê các dự án. 

Một dự án được gọi là vì lợi ích quốc gia, công cộng, trước hết phải được thực hiện theo đúng quy hoạch của Nhà nước và mang lại lợi ích chung của mọi người, được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, phương án thu hồi và bồi thường phải được đại đa số người bị thu hồi đất đồng ý. Nếu như đạt được ba tiêu chí đó thì có thể ban hành một quyết định thu hồi đất và Nhà nước đứng ra bồi thường, tái định cư, hỗ trợ cho người dân.

Luật Đất đai (sửa đổi) giải quyết căn cơ vướng mắc, đáp ứng kỳ vọng của cử tri
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đặc biệt quan tâm tới vấn đề giải tỏa, thu hồi đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 

Đồng quan điểm, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đặc biệt quan tâm tới vấn đề giải tỏa, thu hồi đất hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp chuyển sang sang công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị. Hiện nay, Nghị quyết của Trung ương có yêu cầu Nhà nước sẽ thu hồi đất đối với những dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nhưng những dự án nào được coi là những dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng thì đang còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng những dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển quốc gia; những dự án đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua, Hội đồng nhân dân các cấp thông qua của chủ trương đầu tư là những dự án đủ điều kiện vì lợi ích quốc gia, công cộng. Những dự án này đều thuộc diện có thể được xem xét đưa vào diện mà Nhà nước thu hồi đất thu để đấu thầu, đấu giá, xây dựng các dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, thực tế, Luật Đất đai năm 2013 chưa có quy định về phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và phạm vi điều chỉnh của Luật Du lịch 2017 cũng không điều chỉnh việc khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng và hình thành, phát triển hạ tầng du lịch. Thêm vào đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không phân nhóm mà quy định trực tiếp các trường hợp thu hồi đất, liệt kê đến 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79). Dù vậy, dự thảo Luật vẫn “bỏ qua” các dự án hạ tầng du lịch, tổ hợp vui chơi – lưu trú – nghỉ dưỡng, vốn được coi là nền tảng của ngành công nghiệp không khói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị, trong các trường hợp Nhà nước thực hiện thu hồi đất đã được nêu trong dự thảo nên xem xét, bổ sung loại hình khu đô thị mới kết hợp kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng… Đối với nhiều địa phương, việc xây dựng khu đô thị mới, dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, hiện đại là cần thiết trong quá trình thúc đẩy kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng của người dân, tạo điều kiện để thu hút khách du lịch trong nước cũng như quốc tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

“Chúng ta đặt ra mục tiêu khu vực dịch vụ đến năm 2030 phải chiếm 50% cơ cấu kinh tế của đất nước; khu vực du lịch phải chiếm đến 15% tổng GDP của nền kinh tế, đây chính là khu vực phát triển có tính chất động lực của nền kinh tế và để tạo nên những thành quả như vậy cần có những dự án động lực, dự án trọng điểm cho từng vùng, từng địa phương và trong cả nước”, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho hay.

Mặt khác, vấn đề thỏa thuận bồi thường khi doanh nghiệp thu hồi đất hiện nay là vấn đề rất phức tạp, khó. Nhà nước đứng ra đảm nhận là phù hợp, vì ở đây có các chủ thể tham gia, phải đảm bảo hài hòa quyền lợi của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Việc mở rộng đối tượng thu hồi đất, mở rộng đối tượng là các dự án trọng điểm đã được các cấp có thẩm quyền quyết định theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều hội tụ đủ điều kiện là các dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng. “Có nhiều dự án của doanh nghiệp có thị trường, có vốn, nhưng không triển khai được do không tiếp cận được mặt bằng cho sản xuất kinh doanh và việc chậm trễ trong việc tiếp cận đất đai có khi kéo dài đến cả chục năm hoặc lâu hơn. Khi chúng ta tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai nhanh hơn, có nghĩa chúng ta có thể thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhanh hơn theo đúng chủ trương của Đảng”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu rõ.

Nhiều chính sách đổi mới trong Luật Đất đai sửa đổi

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Dự thảo Luật có nhiều chính sách đổi mới. Đổi mới đầu tiên phải kể đến đó là nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hoàn thiện đồng bộ các quy định về việc xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp, gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển.

Các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cũng được hoàn thiện. Qua đó đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất. Phân định rõ trường hợp áp dụng đấu giá, đấu thầu, quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện thực hiện đấu giá, đấu thầu. 

Tiếp tục thực hiện thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người đang có quyền sử dụng.

Dự luật đã hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, ; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.  Thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. 

Đồng thời, giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết vấn đề an sinh bền vững cho người có đất bị thu hồi. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hoàn thiện cơ chế xác định giá đất. Bỏ khung giá đất, quy định cụ thể nguồn thông tin đầu vào và các phương pháp định giá đất, điều kiện áp dụng đảm bảo theo nguyên tắc thị trường… 

Theo Báo Tin tức

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/luat-dat-dai-sua-doi-giai-quyet-can-co-vuong-mac-dap-ung-ky-vong-cua-cu-tri-20231103021435573.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.33276 sec| 683.375 kb