Các đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đóng góp, chỉnh lý, sửa đổi, tuy nhiên cho rằng, Dự thảo Luật vẫn còn nhiều vấn đề cần bổ sung, chỉnh sửa để đảm bảo tính tương thích, thống nhất với các pháp luật liên quan cũng như tính hiệu quả, khả thi của việc áp dụng khi đưa Luật vào đời sống.
Ông Vũ Anh Dũng, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh góp ý, Điều 33 quy định yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở cần được nghiên cứu chỉnh sửa để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các Luật liên quan. Khoản 3, Điều 81 quy định “Quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội quy định tại khoản 1 Điều này phải được bố trí theo đúng nhu cầu được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt” là vi phạm Luật Quy hoạch đô thị và trái với ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã đưa ra.
Điều 34 quy định các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án nhà ở cũng cần được sửa đổi phù hợp với Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị quy định về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và quy định của Luật Xây dựng năm 2014. Khoản 11, Điều 60 quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện các công việc… liên quan đến quy định về bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, vì vậy cần bổ sung, sửa đổi nội dung cho phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước.
Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đề nghị quy định nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại Điều 60 bổ sung thêm quy định “đối với các đô thị đặc biệt, loại 1, UBND cấp tỉnh được phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện đối với các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền được quy định tại Luật này”. Bởi trên thực tế, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện phương thức điều hành này nhiều năm qua trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và có kết quả tích cực. Đồng thời, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh cho phép Chủ tịch UBND Thành phố được ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong thời gian xác định kèm theo điều kiện cụ thể…
Qua thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến các giao dịch nhà ở, ông Nguyễn Hồ Phương Vinh, Phòng Công chứng số 1 TP Hồ Chí Minh cho rằng, Điều 158 của Dự thảo Luật quy định điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch “không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cao…”, cần làm rõ nội dung xác định nhà ở thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu là đơn tranh chấp đó có bắt buộc phải do Tòa án nhân dân các cấp thụ lý hay chỉ cần nộp đơn tranh chấp, khiếu nại đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Cũng quan tâm đến nội dung này, ông Quách Hữu Thái (Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần giới hạn cho phép điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch không thuộc diện tranh chấp khiếu kiện, tức là tranh chấp phải được Tòa án nhân dân các cấp thụ lý. Hiện nay, việc tiếp nhận, thụ lý đơn khiếu kiện giải quyết tranh chấp của Tòa án rất thuận lợi, nhanh chóng. Nếu quy định không rõ ràng, mở rộng khái niệm sẽ dẫn đến những hệ lụy sau này khi áp dụng luật.
Ông Quách Hữu Thái đề nghị thêm, Dự thảo Luật Nhà (sửa đổi) ở cần được bổ sung quy định quyền được phân chia tài sản trong các quyền của chủ sở hữu nhà ở, từ đó điều chỉnh các điều khoản liên quan trong Dự thảo Luật Nhà ở, phù hợp với những quy định chung của pháp luật về quyền dân sự của công dân.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Bích (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đề nghị Dự thảo cần quy định rõ trách nhiệm, chứng chỉ chuyên môn người quản lý vận hành chung cư và có thêm các nội dung mang tính ràng buộc trách nhiệm đối với “cơ quan chức năng” làm nhiệm vụ quản lý, vận hành tháng máy chung cư cao tầng theo đúng Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Về điều khoản xây dựng lưu trú nhà công nhân trong khu công nghiệp, bà Huỳnh Thị Ngọc Bích nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh hiện có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và 1 khu công nghệ cao với hơn 333 nghìn lao động. Phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất là xu hướng của sự phát triển kinh tế nhằm huy động hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, để thu hút đầu tư nước ngoài, rất cần có khu nhà ở công nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động phù hợp với chính sách của Nhà nước được quy định trong Luật Lao động. Bà Huỳnh Thị Ngọc Bích tán thành ý kiến giữ nguyên các Điều 90, 92 của Dự thảo Luật quy định xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/luat-nha-o-sua-doi-can-dam-bao-tinh-tuong-thich-thong-nhat-voi-luat-phap-lien-quan-20231004142219087.htm