Động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển văn hóa Thủ đô
Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), mở ra một trang sử mới trong quá trình xây dựng và phát triển Hà Nội - vốn là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của cả nước.
Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó nổi bật có các quy định tập trung vào việc tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của Hà Nội, xây dựng thủ đô trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Cụ thể, Điều 21 về Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và những điều luật khác có liên quan trong Luật Thủ đô là điều kiện thuận lợi để thành phố thực hiện thắng lợi Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17/3/2021, về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025.
Việc Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ hội cho Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện. Các chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội sẽ có những cơ chế, chính sách vượt trội để các cấp, ngành triển khai tốt hơn nữa và từ đó có tác động hai chiều đến phát triển văn hóa của Thủ đô.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội cho rằng, một trong những điểm rất tích cực của Luật Thủ đô lần này là những quy định về văn hoá.
Ông Sơn cho biết, không chỉ tại Điều 21 quy định riêng về các vấn đề liên quan đến văn hóa, thể thao, du lịch mà trong nhiều điều khoản khác của Luật cũng có những quy định về các khu công nghiệp văn hóa, không gian sáng tạo…
“Luật Thủ đô đã tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong đầu tư PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư), trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Từ đó tạo ra những thuận lợi giúp lĩnh vực văn hóa có những bước phát triển mới”, ông Sơn chia sẻ.
Vị ĐBQH còn cho hay, Hà Nội luôn tự hào là Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ, tỏa sáng những giá trị tinh hoa của đất nước. Do đó, những điều khoản tạo điều kiện cho phát triển văn hoá Thủ đô cũng sẽ tạo điều kiện cho sự tỏa sáng của văn hoá đất nước. Luật Thủ đô như một "cú huých", tiếp sức cho làn sóng đổi mới, sáng tạo của công nghiệp văn hóa, là sự động viên rất lớn đối với các nghệ sĩ, những người thực hành và kinh doanh văn hóa, nghệ thuật ở Hà Nội.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp. Hồ Chí Minh) cho hay, Luật Thủ đô lần này đã kế thừa tinh hoa của Luật trước đây, đồng thời cập nhật, bổ sung thêm nhiều nội dung mới, tạo điều kiện cho Hà Nội đẩy mạnh phát triển không gian ra vùng Thủ đô.
Từ khu vực trung tâm có điều kiện phát triển thêm 4-5 khu vực đô thị vệ tinh. Cùng với phát triển, Thủ đô vẫn giữ được nét đẹp cảnh quan, thu hút du khách quốc tế.
Bà Ngân cho biết, hầu hết các quốc gia đều dành riêng cho Thủ đô một luật, vì đó là trái tim của đất nước nên cần phải có những cơ chế đặc thù.
Điều quan trọng hơn, Thủ đô là trung tâm hành chính, chính trị, là bộ mặt quốc gia, nên những cơ chế, chính sách phải được phân cấp mạnh mẽ cho lãnh đạo Thủ đô để có những quyết sách sớm, cũng như điều chỉnh những bất hợp lý ngay, mà không phải chờ thủ tục xin ý kiến của Chính phủ. “Tôi thấy các nội dung của Luật Thủ đô được thông qua rất toàn diện” nữ đại biểu nhận định.
Kỳ vọng sẽ về những tour du lịch đặc trưng
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã ra nhiều chính sách ưu tiên bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Hà Nội. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội truyền thống cũng được quan tâm đầu tư, nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng vốn có.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lương Duy Doanh - Giám đốc Fivestar Travel đánh giá, điều đó không chỉ mang lại những lợi ích cho người dân Hà Nội mà còn đối với du khách từ mọi miền tổ quốc và quốc tế.
Ông Doanh đánh giá cao việc Luật cho phép Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và các khu vực có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch… Điều này sẽ tạo tiền đề cho ngành du lịch xây dựng, phát triển những tour, tuyến du lịch mang tính đặc trưng của Thủ đô, qua đó giúp "phát huy và nâng tầm" những thế mạnh của Hà Nội, thu hút du đông đảo khách trong nước và quốc tế.
“Đặc biệt, tại khoản B điều 7 Luật Thủ đô quy định Khu phát triển thương mại và văn hóa được quyết định các khoản thu để bảo đảm chi trả cho việc quản lý, vận hành…Điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chủ tài chính trong quá trình đầu tư phát triển các dịch phụ phục vụ ngành du lịch”, ông Doanh cho hay.
Những quy định này cho thấy Luật Thủ đô đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho ngành du lịch khai thác các giá trị, tài nguyên về văn hóa, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng chung nhận định trên, bà Phạm Thị Thơm - Phó giám đốc Công ty Du lịch Khát Vọng Việt bày tỏ vô cùng phấn khởi và kỳ vọng Luật Thủ đô (sửa đổi) chắc chắn sẽ trực tiếp góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp du lịch.
“Riêng đối với ngành văn hóa, thể thao, du lịch, Luật Thủ đô đã dành riêng Điều 21 về quản lý, phát triển. Tôi thấy không chỉ Điều 21, ở trong Điều 39, 41, 43 cũng nêu rõ những ưu đãi về văn hóa, thể thao, du lịch. Điều này thể hiện Hà Nội mong muốn cụ thể hóa các điều khoản liên quan đến văn hóa, du lịch trên cơ sở đó tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển của lĩnh vực này”, bà Thơm nói.
“Trong tháng 7/2024, chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch liên quan đến phát triển văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa. Luật ban hành sẽ là điều kiện tuyệt vời, môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư có thể yên tâm có được những dự án phát triển văn hóa nói riêng, cũng như phát triển Thủ đô nói chung một cách thuận lợi”, nữ Phó giám đốc tiết lộ.
Đặng Thuỷ-Kim Thoa/Người Đưa tin