Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Mạnh tay xử lý các trường hợp quảng cáo thổi phồng, sai sự thật

Mạnh tay xử lý các trường hợp quảng cáo thổi phồng, sai sự thật
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù đã có quy định xử phạt các hành vi quảng cáo thổi phồng, sử dụng hình ảnh của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo nhưng việc áp dụng chưa nhiều và chưa đủ tính răn đe.

Mạnh tay xử lý các trường hợp quảng cáo thổi phồng, sai sự thật
Đại biểu Phan Thị Thanh Phương (Đoàn TPHCM) thảo luận tại tổ

Chiều 8/11, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thảo luận tổ 2, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cho rằng, là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều thành tựu và đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.

Do vậy, việc sửa đổi các quy định về quảng cáo để hoàn thiện, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo tiếp tục phát triển, đồng thời phù hợp với bối cảnh công nghệ 4.0 và bao quát, kiểm soát được các hành vi quảng cáo sai sự thật, bảo đảm hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp, văn minh, trung thực là rất cần thiết.

Bên cạnh quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, dự thảo Luật lần này cũng đã quy định cụ thể về vai trò, quyền và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo - những người tham gia vào hoạt động quảng cáo. Các đại biểu cho rằng, đây là một điểm mới tiến bộ so với Luật Quảng cáo 2012.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phan Thị Thanh Phương (Đoàn TPHCM), cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ hơn trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là trách nhiệm của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, thông tin cung cấp về sản phẩm để người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thực hiện hoạt động quảng cáo.

Liên quan đến việc xử lý các hành vi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng, sử dụng hình ảnh của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo, đại biểu Phan Thị Thanh Phương cho rằng, mặc dù các quy định về xử phạt đối với các hành vi này đã được bổ sung vào dự thảo Luật, tuy nhiên việc áp dụng các biện pháp này trong thực tế vẫn chưa nhiều và chưa đủ tính răn đe.

"Nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật khi bị phát giác cũng chỉ lên tiếng xin lỗi là xong", đại biểu Phan Thị Phương nêu ví dụ.

Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần phải có chế tài mạnh hơn để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để làm gương, tạo tác động răn đe.

Mạnh tay xử lý các trường hợp quảng cáo thổi phồng, sai sự thật
Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Quy định trách nhiệm của người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm  

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) cho biết ông hoàn toàn thống nhất sự cần thiết cần phải sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo, để khắc phục những bất cập, hạn chế đã và đang tồn tại sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012.

Trong đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn đặc biệt quan tâm tới quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng. Thực tế cho thấy, hiện nay quảng cáo trên các nền tảng số, đặc biệt là mạng và các ứng dụng trực tuyến, ngày càng trở nên phổ biến, trong chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp và tổ chức, đặc biệt là trong bối cảnh số hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhưng chưa có quy định rõ ràng và hiệu quả.

Từ đó, đã xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo qua livestream, video ngắn… gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thu thuế, kiểm soát chất lượng, bảo vệ người và ngăn ngừa các hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Những quảng cáo này thường có những cam kết không thực tế về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, phóng đại quá mức hoặc không minh bạch về thông tin, dẫn đến mất niềm tin vào thị trường và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị Luật Quảng cáo sửa đổi cần có các quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, yêu cầu các đơn vị quảng cáo phải minh bạch, cung cấp thông tin rõ ràng, đáng tin cậy để không đánh tráo khái niệm về thông tin sản phẩm một cách mơ hồ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Còn theo đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội), hoạt động quảng cáo rất quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước. Tổng doanh thu của quảng cáo năm 2023 là khoảng 2,3 tỷ USD. Không chỉ là một ngành kinh tế, giờ đây, quảng cáo còn là một ngành công nghiệp văn hóa. 

Xét từ góc độ của công nghiệp văn hóa, quảng cáo cần chú ý đầy đủ đến 4 vấn đề gồm: Nguồn nhân lực quảng cáo, nội dung quảng cáo, nhất là nội dung văn hóa trong quảng cáo, công nghệ quảng cáo và kỹ năng kinh doanh quảng cáo.

Nêu thực trạng nội dung quảng cáo trên không gian mạng hiện nay rất khó kiểm soát, đại biểu Bùi Hoài Sơn đề nghị dự thảo Luật cần quy định chi tiết việc kiểm soát nội dung quảng cáo trên không gian mạng để phù hợp với xu thế của thế giới cũng như thực tiễn hiện nay.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của mgười chuyển tải quảng cáo là một quy định mới rất đang quan tâm trong bối cảnh hiện nay, khi mà các phương tiện truyền thông mới đang dần đóng vai trò quan trọng trong thị trường quảng cáo.

Đại biểu tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trong đó, có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng, người nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến xã hội.

"Biện pháp quản lý hậu kiểm sẽ là một giải pháp ưu tiên thì quy định với người chuyển tải quảng cáo cần cụ thể, chi tiết, để tránh việc tùy tiện trong thể hiện quảng cáo", đại biểu chỉ rõ.

Cũng theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, nếu không kiểm soát được quyền và trách nhiệm của đối tượng chuyển tải sản phẩm quảng cáo này thì khó có thể kiểm soát được chất lượng quảng cáo.

Còn đại biểu Trần Thị Vân (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo hoạt động quảng cáo trên được chia làm 2 loại hình. Thứ nhất là sản phẩm được quảng cáo do chính người chuyển tải tự sản xuất, trong trường hợp này người chuyển tải quảng cáo có thể kiểm soát được thông tin và chất lượng sản phẩm.

Thứ hai là người chuyển tải quảng cáo chỉ là người được đặt hàng chuyển tải thông điệp, sản phẩm quảng cáo là của đơn vị sản xuất khác, khi đó người chuyển tải quảng cáo không thể kiểm soát hết được nội dung quảng cáo, có chăng chỉ kiểm soát được thông tin, khó kiểm soát chất lượng. Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định nội dung này thành 2 nhóm như trường hợp nêu trên để bảo đảm chặt chẽ và có giải pháp quản lý phù hợp.

Theo Báo Chính phủ

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.28390 sec| 658.781 kb