Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số

Nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số
Đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đường truyền; bổ sung nhân sự, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trong đội ngũ cán bộ và nhân dân tại các phường, xã, thị trấn…

Nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.

Đây là một trong những nội dung được đông đảo các đại biểu quan tâm đề xuất với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị gặp gỡ giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn năm 2023, với chủ đề “Nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số”, diễn ra vào chiều 27/4.

Đẩy mạnh chuyển đổi số tại cơ sở

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số trên địa bàn phường, ông Bùi Hữu Huy Hoàng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 13, Quận 3 đi thẳng trực tiếp vào kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố cần có chỉ đạo mang tính thống nhất đối với các cơ quan trong việc ứng dụng công tác chuyển đổi số; chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, thiết lập chuyên mục hay khung giờ phát sóng trên các phương tiện báo chí, đài truyền hình về công tác chuyển đổi số để cán bộ và người dân được hiểu sâu hơn.

"Cần đẩy nhanh việc xây dựng kho dữ liệu tập trung, dùng chung (trên nền tảng số, dữ liệu số), qua đó có thể liên kết, khai thác cơ sở dữ liệu trong công tác quản lý nhà nước; tăng cường các chương trình đào tạo kỹ năng về an toàn, thông tin mạng và tính riêng tư cá nhân đến đội ngũ cán bộ, công chức và người dân trong quá trình tham gia chuyển đổi số, nhằm đảm bảo an toàn thông tin. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ nhân lực về chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; có cơ chế chuyên trách về chuyển đổi số tại cơ sở phường do hiện nay phải kiêm nhiệm”, ông Hoàng kiến nghị.

Nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số
Ông Bùi Hữu Huy Hoàng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 13, Quận 3 phát biểu tại hội nghị.

Với địa phương, ông Bùi Hữu Huy Hoàng cũng đề xuất chú trọng đến việc chuyển đổi nhận thức. Người đứng đầu chịu trách nhiệm, nêu gương, truyền cảm hứng trong chuyển đổi số của cơ quan mình phụ trách; tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi số như: tham gia góp ý, giám sát và sử dụng các dịch vụ, tiện ích do chuyển đổi số mang lại…

Để công tác chuyển đổi số cấp phường, xã, thị trấn có tính ổn định, lâu dài, xem chuyển đổi số là nhiệm vụ chuyên môn, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 13, quận Gò Vấp cũng đề xuất xây dựng khung năng lực, bản mô tả công việc cho chức danh công chức phường, xã, thị trấn về thực hiện chuyển đổi số; xem xét bổ sung biên chế công chức văn phòng thống kê thực hiện công nghệ số, công nghệ thông tin cấp cơ sở. Đồng thời kiến nghị xem xét ủy quyền cho quận, huyện tổ chức thi tuyển công chức theo quy định tại Nghị quyết 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 41/2021/QD0-UBND của Thành phố, trong đó có các vị trí liên quan đến công tác văn phòng, chuyển đổi số.

Theo bà Tâm, nhân lực phục vụ cho nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh cần được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ; cần nhân rộng các nền tảng học trực tuyến với nhiều chuyên đề khác nhau để cập nhật kiến thức chuyên môn, giúp cho cán bộ cấp phường, xã, thị trấn có điều kiện tiếp cận nhanh và áp dụng hiệu quả…

Cùng với những đề xuất đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng đường truyền; tăng cường nguồn nhân lực, ông Võ Minh Triết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 6, Quận 5; bà Phan Thị Thu Trang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân Kiểng, Quận 7 cùng nhiều đại biểu cũng kiến nghị Sở Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn đẩy nhanh việc kết nối, liên thông giữa các phần mềm quản lý chuyên ngành, hệ cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, chú trọng những lỗi kỹ thuật, việc tương tác giữa cán bộ, công chức với người dân; giúp người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn…

Ông Bùi Nguyên Vũ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 5, quận Bình Thạnh cũng đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phân quyền sử dụng, tra cứu thông tin của công dân đã được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết nhanh chóng các yêu cầu của công dân về thủ tục hành chính, nhất là thủ tục xác nhận tình trạng ; đề nghị bổ sung chức năng thống kê trên phần quản lý dữ liệu dân cư để công an phường có thể tổng hợp số liệu và quản lý dân cư theo độ tuổi...

Phát huy năng lực của lãnh đạo các phường, xã, thị trấn

Liên quan đến các vấn đề nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số được các Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn đặt ra tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành Thành phố đã có những giải đáp trực tiếp; đồng thời tiếp thu các ý kiến mới để từ đó đề xuất bổ sung, xây dựng chương hành động phù hợp, gắn sát với thực tiễn hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, Thành phố đã thực hiện thông qua công tác cải cách hành chính từ lâu; có nhiều mô hình, giải pháp mang lại nhiều kết quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. “Tuy làm được nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp, người dân; đã có nhiều lời than phiền, những đơn thư phản ánh của người dân về các vấn đề cụ thể. Các chỉ số cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nói chung có cải thiện nhưng chưa có đột phá…”, ông Hoan chia sẻ.

Thống kê của Sở Khoa học và Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, khối lượng công việc của lực lượng cán bộ xã, phường, thị trấn hiện nay là rất lớn. Bình quân mỗi xã, phường, thị trấn tại Thành phố phải làm khoảng 500 , lãnh đạo phải dự 5 – 7 cuộc họp/tuần và ban hành 730 văn bản, hơn 1.500 quyết định hành chính mỗi năm.

Từ áp lực thực tiễn công việc tại địa phương, ông Mai Đình Phượng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 9, quận Tân Bình nêu câu hỏi: Thành phố có chính sách gì để khắc phục tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ hướng dẫn của một bộ phận cán bộ, công chức thành phố, nhất là trong bối cảnh kinh tế thành phố tăng trưởng thấp? Ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức đặt vấn đề về tăng cường, bổ sung cán bộ phụ trách công nghệ thông tin về địa phương, chính sách đãi ngộ đối với người kiêm nhiệm, nhất là người hoạt động không chuyên trách; các cấn đề về nâng cao hiệu quả thực thi công vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm…

Nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trao bằng khen cho các Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tiêu biểu tại hội nghị.

Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị từ thực tiễn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh vai trò của chính quyền cơ sở là rất quan trọng, là tuyến đầu trong tiếp xúc, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước. Đây là nơi đầu tiên tiếp nhận và xử lý các phát sinh ở cơ sở, tạo ra và duy trì sự ổn định, làm tiền đề để phát triển kinh tế, xã hội… Do đó, vai trò của người đứng đầu chính quyền cơ sở là rất quan trọng.

Nhận định thời gian tới còn nhiều thách thức, khó khăn, ông Phan Văn Mãi đề nghị các địa phương rà soát việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm, chủ đề năm; cần tiếp tục rà soát lại quy chế hoạt động, phân công từng vị trí để đảm bảo đúng người, đúng việc; phải nắm chắc địa bàn, giữ mối quan hệ mật thiết với nhân dân; đặc biệt phải nắm thời cơ, đẩy nhanh hơn tiến trình phục hồi để đạt mục tiêu kế hoạch năm.

Liên quan đến vấn đề tâm tư, tình cảm, tâm lý e dè ngại khó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tập trung nghiên cứu kế hoạch của Thành phố về phát huy sáng kiến, tinh thần dám nghĩ, dám làm, giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.

Ông Phan Văn Mãi cho rằng, phạm vi làm sáng kiến là những vấn đề đang vướng tại cơ sở nhưng quy định pháp luật chưa có, chưa rõ ràng. Nếu cách làm có hiệu quả thì xây dựng kế hoạch hoặc đề án, thông qua cấp có thẩm quyền ở cơ sở hoặc báo cáo lên trên, thông qua tập thể lãnh đạo và được giám sát thực hiện đúng, đây sẽ là cơ sở để bảo vệ cán bộ, công chức.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 80 đề án của các sở, ngành, quận, huyện và sau rà soát còn 33 đề án đang lập tổ thẩm định để triển khai. Do vậy, Hội nghị là dịp cùng ngồi lại để xác định vấn đề, bàn bạc để ra việc. "Tôi rất mong từ cuộc gặp hôm nay, 312 chủ tịch phường, xã, thị trấn chúng ta sẽ dấy lên, khơi dậy, vực dậy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ Thành phố", ông Mãi nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trước mắt, mỗi người phải cùng nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả cao nhất, để mỗi phường, xã, thị trấn là đơn vị vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của Thành phố, xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình...   

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/nang-cao-hieu-qua-thuc-thi-cong-vu-day-manh-chuyen-doi-so-20230427230828299.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.39198 sec| 670.344 kb