
Bộ Y tế cho biết, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã triển khai thực hiện được 14 năm và phát sinh nhiều nội dung khó khăn, vướng mắc, bất cập. Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện bộ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật an toàn thực phẩm (sửa đổi), đã được Bộ Tư pháp thẩm định tại văn bản số 322/BCTĐ-BTP ngày 23/12/2024 và Văn phòng Chính phủ đang xin ý kiến các Thành viên Chính phủ. Những nội dung khó khăn, vướng mắc, bất cập về công tác an toàn thực phẩm trong thời gian qua cơ bản sẽ được giải quyết tổng thể tại các nội dung chính sách cùng với các giải pháp thực hiện chính sách tại Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật an toàn thực phẩm (sửa đổi) trong đó có cơ chế quản lý các loại thực phẩm.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 02/02/2018 (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Nghị định này quản lý thực phẩm theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, trình tự thủ tục, thông thoáng cơ chế tiền kiểm (đăng ký bản công bố đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt…; tự công bố đối với thực phẩm bổ sung và các thực phẩm thông thường); tăng cường phân cấp cho địa phương giải quyết tiếp nhận hồ sơ công bố hầu hết các sản phẩm thực phẩm (thực phẩm thường, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; thực phẩm bổ sung, phụ gia thực phẩm…) và tăng cường công tác hậu kiểm. Đến nay Nghị định này cũng đã triển khai thi hành được 6 năm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã phát sinh một số vấn đề bức thiết cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý về an toàn thực phẩm trong bối cảnh tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính và tăng cường biện pháp quản lý hậu kiểm để nâng cao chất lượng thực phẩm.
Bộ Y tế đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm nhằm mục đích để giải quyết kịp thời các tồn tại, bất cập bức thiết, trên cơ sở đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm thực phẩm, trong đó có thực phẩm chức năng; triển khai kịp thời kiến nghị của các bộ, ngành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật và phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Đề xuất bổ sung quy định giải thích về thực phẩm bổ sung
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định giải thích về định thực phẩm bổ sung.
Bộ Y tế cho biết, Bộ đề xuất sửa đổi bổ sung khái niệm về thực phẩm bổ sung (quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế quy định về quản lý thưc phẩm chức năng) để kiểm soát tính năng, công dụng sản phẩm này. Hiện nay Nghị định số 15/2018/NĐ-CP chưa quy định và làm rõ các khái niệm trên, dẫn đến doanh nghiệp khó phân loại sản phẩm hoặc phân loại không đúng bản chất của sản phẩm công bố như tình trạng phóng đại sữa phát triển chiều cao, sữa điều trị xương khớp, sữa giúp ngủ ngon…
Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất bổ sung khoản 1a Điều 3 như sau: Thực phẩm bổ sung (Supplemented Food) là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác, được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày. Thực phẩm bổ sung chỉ được công bố thành phần bổ sung. Không được ghi, công bố khuyến cáo sức khỏe hoặc công dụng của thành phẩn bổ sung.
Bổ sung quy định về hồ sơ tự công bố sản phẩm
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi quy định về hồ sơ tự công bố sản phẩm.
Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, hồ sơ tự công bố sản phẩm bao gồm:
a) Bản tự công bố sản phẩm theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro phù hợp với quy định của quốc tế hoặc các chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng do tổ chức, cá nhân công bố trong trường hợp chưa có quy định của Bộ Y tế (bản chính hoặc bản sao chứng thực).
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất Hồ sơ tự công bố sản phẩm bao gồm:
a) Bản tự công bố sản phẩm theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro phù hợp với quy định của quốc tế hoặc các chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng do tổ chức, cá nhân công bố trong trường hợp chưa có quy định của Bộ Y tế (bản chính hoặc bản sao chứng thực);
c) Giấy ủy quyền tự công bố sản phẩm của cơ sở sản xuất (nếu có) (theo mẫu số 16 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);
d) Mẫu nhãn sản phẩm (bản có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
e) Tiêu chuẩn sản phẩm (SPEC), bao gồm phương pháp kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn và chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm của cơ sở sản xuất (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân).
Theo Báo Chính phủ