Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, trong những năm qua, khối lượng công việc của các tổ chức pháp chế, cơ quan pháp chế ngày càng nhiều, trong khi hệ thống đội ngũ làm pháp chế còn mỏng, tại nhiều cơ quan hiện nay thì tổ chức pháp chế chưa được kiện toàn, còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng cho biết, trước yêu cầu về đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với đội ngũ những người làm công tác pháp chế.
Qua đó, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho rằng cần phải quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật; tiếp tục trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế nói chung, kinh nghiệm cũng như cách làm hay của các bộ, ngành, địa phương. Thứ trưởng nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị này rất ý nghĩa và cần thiết, là cơ hội để các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tổ chức, thực hiện công tác pháp chế nói chung và công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói riêng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã có buổi đối thoại về công tác xây dựng pháp luật về vị trí, vai trò của tổ chức pháp chế trong công tác xây dựng pháp luật; nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng pháp luật ở Trung ương và địa phương…
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/nang-cao-vai-tro-cua-to-chuc-phap-che-trong-cong-tac-xay-dung-phap-luat-102230707164141983.htm