Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 đã đánh giá được tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, chỉ ra những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân của công tác này. Đồng thời, Báo cáo đưa ra dự báo về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2025, có những kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng công tác; triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội trong hoạt động phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, Báo cáo của Chính phủ vẫn chưa đánh giá, phân tích cụ thể được thực trạng tình hình vi phạm trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước và công tác xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực của các bộ, ngành; đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể làm cơ sở đề ra các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa các mặt công tác này trong thời gian tới.
Đối với Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, các ý kiến cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương. Nhiều chính sách, quy định mới về công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước ban hành, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc. Cùng với việc điều tra, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan đã chú trọng phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khắc phục, hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự câu kết giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn diễn ra.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.
Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng, các thành viên Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành hữu quan tiếp tục tuyên truyền thông tin về phương thức, thủ đoạn phạm tội để nâng cao cảnh giác của người dân; đưa ra những giải pháp cụ thể, bồi dưỡng kiến thức, tăng cường đội ngũ cán bộ, trang bị kịp thời các phương tiện nghiệp vụ đối với lực lượng công an cấp tỉnh, cấp huyện để kịp thời phát hiện, xử lý loại tội phạm này.
Theo TTXVN