Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng
Thông tin về dự kiến chương trình và nội dung kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chiều 20/10, ông Vũ Minh Tuấn- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 21/10/2024.
Kỳ họp thứ 8 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1: từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11/2024; đợt 2: từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024, trong đó Quốc hội sẽ làm việc 4 ngày thứ Bảy. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 29,5 ngày.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 Luật, xem xét thông qua 3 Nghị quyết, xem xét, cho ý kiến 13 dự án Luật và xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, kỳ họp này cũng có nhiều nội dung nhất, có nhiều vấn đề lớn, nhiều dự án luật và dự án lớn với phương pháp tiếp cận làm việc mới.
Chia sẻ những kỳ vọng trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, ĐBQH tỉnh Bình Dương đánh giá, kỳ họp thứ 8 là kỳ họp dài nhất từ trước đến nay.
Trong kỳ họp có đến 28 Luật xem xét, trong đó có 15 Luật xem xét thông qua và 13 Luật mới, đồng thời có thêm các Nghị quyết… có thể thấy khối lượng công việc rất lớn.
"Đây đều là những nội dung cử tri rất quan tâm và mong mỏi về những quyết sách lớn. Ngoài ra, như thường lệ cũng sẽ có phiên giải trình, báo cáo về các ý kiến của cử tri giải quyết trong kỳ họp vừa qua như thế nào?", đại biểu Huân nhấn mạnh và cho rằng những vấn đề tại kỳ họp Quốc hội lần này đều là những vấn đề "nóng".
Mặc dù khối lượng công việc rất lớn và khổng lồ nhưng đại biểu cho rằng các dự án Luật đưa ra xem xét, bàn thảo cho ý kiến đều là những Luật rất cấp bách, nếu không sửa không tháo gỡ được.
"Cũng có những dự án Luật còn ý kiến như Luật Điện lực (sửa đổi) cho ý kiến thông qua 1 kỳ hay 2 kỳ họp? tính cấp bách rất gấp nhưng cũng là vấn đề rất lớn. Cá nhân tôi thấy rằng, nếu Quốc hội tập trung và thông qua được 15 Luật sẽ tháo gỡ được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta không thể "Dục tốc bất đạt" mà cần theo tinh thần Kết luận 19 của Bộ Chính trị về công tác lập pháp", đại biểu Huân nói.
Kỳ vọng Luật, Nghị quyết sẽ sớm đi vào thực tiễn
Chia sẻ với Người Đưa Tin về những nội dung sẽ cho ý kiến và kỳ vọng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, kỳ họp thứ 8 được khẳng định là kỳ họp có số lượng dự thảo Luật nhiều nhất cho việc xem xét thông qua và lấy ý kiến. Bên cạnh đó, số lượng Nghị quyết cũng nhiều nhất từ trước đến nay.
"Kỳ họp diễn ra 2 đợt, 29,5 ngày đòi hỏi sự tập trung cao độ, nghiên cứu toàn diện, có đối chiếu, so sánh phân tích của các ĐBQH, từ đó có ý kiến đóng góp để hoàn thành các nội dung kỳ họp theo chương trình đã đề ra", đại biểu Sửu cho hay.
Một nội dung rất quan trọng tại kỳ họp này đó là công tác nhân sự, nữ đại biểu đoàn Thừa Thiên Huế bày tỏ mong rằng công tác nhân sự sẽ thực hiện đúng chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Đảng, Bộ Chính trị.
Đại biểu cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung nghiêm túc, đầu tư nghiên cứu sâu về các nội dung dự Luật, soi chiếu cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, khi các dự án Luật được đưa ra bàn thảo, góp ý kiến sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
"Từ đó, để những dự Luật, Nghị quyết được thông qua, ban hành sẽ sớm đi vào thực tiễn", đại biểu Sửu nhấn mạnh.
Thêm một trong những nội dung sẽ xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp đó là Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, là đại biểu đoàn Thừa Thiên Huế đại biểu Sửu chia sẻ bà rất kỳ vọng và mong đợi.
"Không chỉ cá nhân tôi, đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế mà cả cán bộ và nhân dân toàn tỉnh Thừa Thiên Huế rất mong đợi. Với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, các điều kiện tiêu chuẩn… chúng tôi mong những nội dung nằm trong đề án để đưa thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sớm trở thành hiện thực. Đồng thời, cũng mong nhận được sự chia sẻ, đồng thuận của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 8", bà Sửu nhấn mạnh.
Dưới góc độ đại biểu chuyên trách của đoàn ĐBQH địa phương, cũng như các kỳ họp trước, đại biểu Sửu rất kỳ vọng kỳ họp thứ 8 sẽ gặt hái được nhiều kết quả tích cực.
Tại họp báo chiều 20/10, các cơ quan báo chí đã đặt vấn đề liên quan đến công tác nhân sự trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Trả lời nội dung này, bà Nguyễn Thanh Hải -Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, tại phiên họp trù bị của Quốc hội vào sáng 21/10, Quốc hội sẽ xem xét các nội dung dự kiến trình kỳ họp và xem xét thông qua chương trình của kỳ họp Quốc hội. Trong đó, có nội dung về công tác nhân sự sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong chương trình chính thức của kỳ họp.
"Theo chương trình dự kiến của kỳ họp trình Quốc hội thông qua, tại ngày họp đầu tiên Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước theo quy định của hiến pháp và pháp luật", bà Hải cho hay.
Về nhân sự ứng cử, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, chúng ta thực hiện theo nguyên tắc Đảng cử, dân bầu. Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã biểu quyết, thống nhất giới thiệu nhân sự đủ điều kiện và sẽ trình để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định, đây là việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Quốc hội.
Liên quan đến tất cả các nhân sự thuộc thẩm quyền, bà Hải cho biết sẽ thực hiện theo các quy định của pháp luật, trong chương trình đã bố trí thời gian để thực hiện những nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.