Thị trường kinh tế tại Việt Nam là một thị trường mở, đa dạng và linh hoạt, có sự thay đổi nhanh chóng để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Điều này mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các công ty nước ngoài đã và đang hoạt động tại Việt Nam.
Những khó khăn của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam
Nhiều cá nhân là người nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam để đầu tư kinh doanh có cơ sở và dễ phát triển hơn nhưng đắn đo vì không nắm được điều kiện cũng như thủ tục thành lập doanh nghiệp. Việc thành lập chi nhánh hay văn phòng đại diện là vấn đề khá phức tạp đối với những nhà đầu tư hay thương nhân khi không có sự hỗ trợ của các công ty luật.
Điều quan ngại nhất đối với các các nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chính là rào cản pháp lý và văn hóa. Sự thiếu nhất quán trong việc áp dụng các quy định pháp luật, các quy định chồng chéo không rõ ràng, thủ tục hành chính rườm rà. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp rất đa dạng và luôn có sự biến động, thay đổi; hệ thống thuế quan phức tạp... Đồng thời, khi xảy ra tranh chấp, văn hóa “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình” của người Việt cũng khiến các công ty nước ngoài ngỡ ngàng.
Các doanh nghiệp nước ngoài làm việc dựa trên các văn bản giấy tờ hợp đồng ký kết giữa các bên, tuân thủ nghiêm các quy định của luật pháp. Tuy nhiên, các điều luật như luật Doanh nghiệp, luật Thương mại, luật Lao động, luật Đất đai... thay đổi khiến cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp luôn phải đối mặt với những biến động, rủi ro tiềm tàng và đôi khi không thể lường trước được. Thế nhưng, nếu biết cách xây dựng và có những phương hướng cụ thể, hữu hiệu thì các rủi ro trong kinh doanh có thể được hạn chế đi rất nhiều.
Ngoài những rào cản pháp lý, văn hóa cũng là điều khó nắm bắt, buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải nghiên cứu kỹ trước khi đầu tư vào Việt Nam các yếu tố như: Nhu cầu tiêu dùng, thói quen chi tiêu, sở thích mua sắm, văn hóa ứng xử trong công việc... nhằm đưa ra những quyết sách kinh tế và định hướng lâu dài để tránh rủi ro. Trên thực tế, đã có rất nhiều công ty nước ngoài thất bại do chưa hiểu rõ về thị trường Việt Nam.
Điển hình như năm 2014, Uber là một trong 2 hãng taxi công nghệ đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam. Là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này, Uber được kỳ vọng sẽ gặt hái được nhiều thành công như ở thị trường Mỹ và Châu Âu, tuy nhiên Uber lại thất bại sau 4 năm. Bởi Uber không nghiên cứu kỹ thị trường mà lại áp dụng chiến lực kinh doanh được “đúc” ra từ Mỹ.
Trong khi đối thủ Grap hoàn thiện thủ tục pháp lý nhanh hơn, “lobby” chính sách giành ưu thế trên thị trường, được phê duyệt đề án tại 5 tỉnh, thành phố chỉ trong 2 năm trong khi đề án tương tự của Uber lại bị trả về. Ngoài ra, Uber chỉ gói gọn trong dịch vụ UberTaxi, đóng vai trò như một công cụ giúp các lái xe taxi tìm được nhiều hành khách hơn thì Grab đã phát triển 4 mô hình vận tải, gồm GrabTaxi (bao gồm cả taxi và xe không nhãn giống Uber), GrabCar, GrabBike và GrabExpress (chở hàng).
Tiếp theo phải kể đến hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á AirAsia với nhiều lần thất bại khi thâm nhập vào Việt nam. Lần thứ nhất thất bại là do hình thức đầu tư không phù hợp thực tế. Năm 2005, AirAsia muốn tham gia góp vốn vào Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific). Tuy nhiên, AirAsia không đáp ứng được điều kiện liên doanh góp vốn. Hãng này muốn góp vốn bằng giá trị máy bay trong khi Pacific Airlines cần tiền mặt để vực dậy hoạt động kinh doanh.
Lần thứ 2, AirAsia lại thất bại do chưa nắm rõ chủ trương chính sách đầu tư tại Việt Nam. AirAsia mong muốn hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành lập hãng hàng không giá rẻ Vina AirAsia vào năm 2007. Tuy nhiên, do Chính phủ Việt Nam không có chủ trương cấp phép cho một hãng hàng không mới có vốn đầu tư nước ngoài nên kế hoạch này bị bỏ ngỏ.
Các công ty luật, văn phòng luật sư hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam
Thực tế đã cho thấy, các công ty luật ngày nay đang giữ một vai trò quan trọng và cần thiết trong sự tư vấn pháp luật, định hướng phát triển cho mỗi doanh nghiệp. Theo đó, các văn phòng luật sư sẽ hỗ trợ các công ty đầu tư tại Việt Nam trong việc xây dựng các chiến lược đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Dù khách hàng lần đầu đầu tư vào Việt Nam hay đang mở rộng, tái tổ chức hoạt động kinh doanh hiện tại, các công ty luật đều có thể tư vấn cho khách hàng cấu trúc hiệu quả nhất đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm vững những vướng mắc về thuế, pháp lý và những khó khăn trong thực tiễn mà họ thường gặp phải.
Vốn tích luỹ của luật sư trong các công ty luật không chỉ là sự am hiểu về các quy định pháp luật mà còn là cách thức các quy định đó được áp dụng vào thực tế như thế nào để có lợi nhất cho doanh nghiệp, sự tác động của các quy định pháp luật vào hoạt động kinh doanh. Các văn phòng luật sư trong nước sẽ giúp các nhà đầu tư tìm hiểu kỹ thị trường, văn hóa kinh doanh để có khả năng đưa ra định hướng tốt cho khách hàng trong tương lai. Họ có thể dự đoán tình huống sẽ xảy ra và đưa ra các giải pháp để điều chỉnh những vấn đề đó theo cách có lợi nhất cho công ty.
Trong bối cảnh Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, các công ty, tập đoàn cần phải hiểu rõ về pháp luật để có thể tận dụng được cơ hội mang lại từ những sửa đổi của luật mới nhằm đơn giản hóa các thủ tục, tạo thuận lợi cho mở rộng thị trường, thúc đẩy hơn nữa đầu tư, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư, liên doanh và hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam.