Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐQT - Trưởng Ban chỉ đạo CĐS Petrolimex Phạm Văn Thanh và Phó Bí thư Đảng ủy - Ủy viên HĐQT – Tổng Giám đốc - Trưởng Ban triển khai CĐS Petrolimex Đào Nam Hải chủ trì hội nghị cùng sự tham dự của 300 đại biểu trực tiếp (và gần 1.000 đại biểu tham dự trực tuyến từ 70 điểm cầu trong cả nước) là Ban Lãnh đạo Tập đoàn, Lãnh đạo chủ chốt, cán bộ khối kỹ thuật công nghệ các Công ty xăng dầu, các Tổng Công ty, Công ty chuyên doanh trong hệ sinh thái Petrolimex.
Chương trình Hội nghị diễn ra trong 01 ngày gồm nhiều nội dung chuyên sâu và hình thức tổ chức cũng khác biệt, mang đậm chất “đổi mới sáng tạo” với kỳ vọng khai thác, phát huy ý tưởng tươi mới, thổi khí thế đổi mới sáng tạo lan toả trong toàn hệ thống Petrolimex.
Được coi là sự kiện quy mô lớn và có tầm quan trọng mang tính dấu mốc của Petrolimex trong năm 2023, hội nghị thể hiện quyết tâm của Petrolimex trong hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng chiến lược đến 2025, tầm nhìn 2030 giữa bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt, đây là hội nghị chuyên môn, chuyên ngành của khối kỹ thuật và công nghệ lần đầu tiên được kết nối và hướng tới các khối kinh doanh, tài chính kế toán và quản trị.
Hội nghị cũng là dịp để lãnh đạo cấp cao toàn ngành cùng tổng kết lại quá trình đầu tư phát triển kỹ thuật – công nghệ giai đoạn 2017-2022; Cập nhật những tiến bộ công nghệ mới về kỹ thuật và những xu hướng chuyển dịch năng lượng tới các đơn vị trong toàn hệ thống; Chia sẻ thông điệp, định hướng mới của Tập đoàn trong việc đổi mới sáng tạo, đầu tư ứng dụng kỹ thuật – công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất lao động, cấp độ an toàn và hiệu quả sản xuất kinh doanh; Phát động chương trình thi đua đổi mới, sáng tạo và sáng kiến trong toàn hệ thống.
Đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu, là động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của các doanh nghiệp trong thời đại ngày nay. Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và chuyển dịch năng lượng không còn xa, Petrolimex cần phải đẩy mạnh việc đổi mới sáng tạo để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐQT - Trưởng Ban chỉ đạo CĐS Petrolimex Phạm Văn Thanh đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của Ban Tổng Giám đốc, của cả khối kỹ thuật, công nghệ Tập đoàn trong việc tổ chức Hội nghị quan trọng lần này; nhấn mạnh Hội nghị cần phải cùng nhau phân tích, đánh giá, tổng kết, nhìn nhận lại quá trình đầu tư phát triển kỹ thuật - công nghệ, triển khai các định hướng, quy hoạch về đầu tư CSVCKT của Tập đoàn giai đoạn 2017-2022 và tập trung trả lời các câu hỏi: Petrolimex đang ở đâu trong xu hướng phát triển công nghệ hiện nay? Chiến lược chuyển dịch sang kinh doanh lĩnh vực năng lượng mới nào để thay thế cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Petrolimex? Xác định được lộ trình và bước đi của Petrolimex trong 5-10 năm tới. Qua đó, hiện thực hoá các mục tiêu, định hướng chiến lược của Petrolimex và cùng nhau tạo nên những thành tựu lớn lao, đột phá để hiện thực hoá mục tiêu chiến lược của Tập đoàn đến 2025, tầm nhìn 2035 “Trở thành tập đoàn năng lượng đứng đầu Việt Nam về những sản phẩm năng lượng xanh, sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số toàn diện”.
Trong báo cáo tổng kết đầu tư phát triển kỹ thuật – công nghệ giai đoạn 2017-2022, hội nghị đã thẳng thắn đúc kết 10 thành tựu đạt được song hành cùng 10 hạn chế, tồn tại cần khắc phục
Kết quả của giai đoạn vừa qua là cơ sở nền tảng; kết hợp với tầm nhìn, chiến lược Petrolimex sắp tới đặt ra Hai việc lớn xuyên suốt cho giai đoạn sắp tới là:
Một là, chúng ta cần lan toả sâu rộng hơn nữa tầm nhìn, mục tiêu chiến lược đến 2025, tầm nhìn 2035 là sẽ phát triển Petrolimex “Trở thành tập đoàn năng lượng đứng đầu Việt Nam về những sản phẩm năng lượng xanh, sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số toàn diện.”
Hai là, giữ vững, củng cố, làm mới, hiện đại hoá, tiên tiến hoá những lợi thế kinh doanh xăng dầu truyền thống, hệ thống CSVCKT kho, bể, tuyến ống, CHXD, phương tiện vận tải…Đồng thời thích ứng, chuyển đổi, chuyển dịch thành công sang xu hướng kinh doanh các năng lượng xanh sẽ diễn ra một cách rõ nét trong 5 - 10 năm tới, và sẽ diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam trong vòng 10 - 15 năm tới. Vậy lúc đó Petrolimex sẽ làm gì để thay thế dần các sản phẩm xăng dầu truyền thống. Sẽ là Biofuel, E-fuel, EV hay Hydrogen, Amoniac? Và Tập đoàn sẽ dịch chuyển kinh doanh theo xu thế dịch chuyển năng lượng như thế nào? Ngay tại Hội nghị này Ban tổ chức đã có ý để các logo Penergy ở nhiều nơi, nhiều góc, coi đây là từ khoá gợi mở để tất cả chúng ta cùng suy nghĩ, đóng góp cho Chiến lược dịch chuyển năng lượng của Petrolimex đến 2030, tầm nhìn đến 2050 mà Việt Nam theo cam kết tại COP26 là đưa phát thải Carbon về Net-Zero.
Muốn hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn chiến lược cũng như khắc phục những hạn chế, tồn tại cụ thể như đã nêu, từng bước trả lời những câu hỏi lớn đang đặt ra cho hệ thống Petrolimex thì toàn thể lãnh đạo, CBCNV Petrolimex sẽ cùng nhau quyết tâm thực hiện thành công 10 công việc trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, Tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện tại hệ thống 2.700 CHXD của Petrolimex, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thông minh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí Cacbon, an toàn PCCN bao gồm: (1) Quyết tâm thực hiện thành công ứng dụng đo mức tự động tại các CHXD; (2) Triệt để áp dụng hoá đơn điện tử theo từng giao dịch; (3) Thử nghiệm thành công và ứng dụng rộng rãi các phương thức TTKDTM bằng các công nghệ tiên tiến như RFID, camera thông minh, QR code tĩnh, QR code động bên cạnh phương thức TTKDTM POS đã triển khai; (4) Xây dựng mới và Golive toàn hệ thống App bán hàng Petrolimex để tạo đột phá nhằm nâng cao NSLĐ, tạo trải nghiệm khác biệt, vượt trội cho khách hàng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, quản trị rủi ro.
Thứ hai, Chuyển đổi số toàn diện tại kho, bể theo hướng an toàn, xanh, sạch, thông minh bao gồm: (1) Triển khai thành công tự động hoá, đo mức tự động, các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn môi trường và PCCN cho hệ thống kho, bể; (2) Ứng dụng công nghệ tiên tiến như Drone, camera thông minh, robot, thiết bị kiểm tra, giám sát từ xa trên nền tảng di động…nhằm đảm bảo chủ động, kịp thời trong việc quản lý, phát hiện, ngăn ngừa rủi ro.
Thứ ba, Triển khai các dự án xanh, sạch tại hệ thống kho, cảng, CHXD như: Kinh doanh các nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường; Lắp đặt hệ thống thu hồi hơi; Triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái; Trồng cây xanh tại các vị trí phù hợp, thậm chí nghiên cứu, đầu tư trồng rừng để tích luỹ tín chỉ Carbon; Chuẩn hoá dịch vụ chăm sóc khách hàng tại các trạm dịch vụ xe tải outsourcing, đồng bộ tiêu chuẩn nhà vệ sinh tại các CHXD của Petrolimex.
Thứ tư, Ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để phục vụ công tác quản lý, quản trị, giám sát hàng hoá ở tất cả các khâu từ công tác tạo nguồn, lưu kho, điều động/vận tải nội bộ, đến công tác bán hàng tại các CHXD như: (1) Triển khai dự án/phần mềm tối ưu hoạt động điều độ, đường vận động hàng hoá (DOC); (2) Triển khai hệ thống quản lý thông tin phòng thử nghiệm (LIMS) vào năm 2024; (3) Ứng dụng camera hành trình, camera giám sát họng xuất, niêm số áp dụng cho phương tiện vận tải bộ…
Thứ năm, Thu thập thông tin, dữ liệu thông qua số hoá triệt để các quy trình kinh doanh, quản lý, quản trị, đồng thời triển khai và đưa vào vận hành sử dụng kho dữ liệu lớn/Data Warehouse, Datalake…nhằm đáp ứng yêu cầu thu thập và xử lý dữ liệu lớn (Big Data); Đầu tư, chuẩn hoá, nâng cấp hệ thống hạ tầng CNTT phục vụ các dự, đề án CNTT, TĐH, CĐS lớn của Tập đoàn như nâng cấp DR, DC, Private cloud, ảo hoá hạ tầng CNTT, hệ thống mạng và an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu tại Tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Thứ sáu, Chuyển đổi số toàn diện để gia tăng hiệu quả trong công tác quản lý, quản trị trên toàn Tập đoàn thông qua các công cụ số, bao gồm: (1) Tăng cường tính năng, mở rộng phạm vi, tạo môi trường cộng tác trên nền tảng số (DigitalOffice/SmartOffice); (2) Khai thác hiệu quả dữ liệu, phân tích dữ liệu hỗ trợ ra quyết định, mở rộng triển khai và sử dụng hệ thống báo cáo thông minh (BI); (3) Triển khai mô đun quản trị nguồn nhân lực SAP HR; Nâng cấp nền tảng công nghệ của hệ thống quản lý cửa hàng xăng dầu EGAS…
Thứ bảy, Xây dựng kế hoạch đo lường phát thải CO2 trên toàn hệ thống theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính Phủ, làm cơ sở hoạch địch chương trình hành động, triển khai các dự án gắn liền với giảm phát thải, khử phát thải Carbon.
Thứ tám, Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, truyền thông nội bộ sâu rộng về tư duy, nhận thức đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ với mục tiêu 100% CBNV-NLĐ hiểu và nhận thức rõ về các định hướng, chiến lược của Tập đoàn, được đào tạo và trang bị kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để dần tạo lập, hình thành môi trường làm việc số, kinh doanh số, văn hoá số góp phần thực hiện thành công Chiến lược Chuyển đổi số, Chiến lược chuyển dịch xanh của Tập đoàn.
Thứ chín, Các Tổng Công ty chuyên doanh cũng chủ động nghiên cứu, tham khảo các Chiến lược của Tập đoàn về xu hướng chuyển dịch, chuyển đổi sang năng lượng xanh, sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường dựa trên nền tảng số để xây dựng Chiến lược cho đơn vị của mình, phù hợp với Chiến lược phát triển của Tập đoàn, nhằm: (1) Thích ứng kịp thời và gia tăng sản lượng bán sản phẩm mới trong tương lai; (2) Nâng cao NSLĐ, hiệu quả kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao trải nghiệm số cho người lao động và khách hàng.
Thứ mười, Tạo lập, xây dựng môi trường, văn hoá nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các chương trình đổi mới sáng tạo, các hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế, triển khai thí điểm các dự án công nghệ có tính thực tế, khả thi…bám sát vào định hướng chiến lược và các kế hoạch phát triển chung của Tập đoàn.
Kết thúc hội nghị, Phó Bí thư Đảng ủy - Ủy viên HĐQT – Tổng Giám đốc - Trưởng Ban triển khai CĐS Petrolimex Đào Nam Hải đã điểm lại những nội dung chính của hội nghị; Đồng thời, gửi thông điệp kỳ vọng phong trào đổi mới sáng tạo không chỉ lan toả riêng ở khối kỹ thuật, công nghệ mà còn ở tất cả các lĩnh vực trên toàn hệ thống Petrolimex. Mỗi cán bộ nhân viên trong 30.000 người lao động của Tập đoàn đều là những nhân tố tích cực góp phần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên toàn hệ thống. Trong đó, các đồng chí Chủ tịch, Tổng Giám đốc, Giám đốc các đơn vị thành viên sẽ là đầu tàu, là hạt nhân để dẫn dắt chương trình đổi mới sáng tạo tại đơn vị mình.
PV