Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Hoàn thiện Luật Đất đai để người dân nào đọc cũng hiểu và áp dụng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Hoàn thiện Luật Đất đai để người dân nào đọc cũng hiểu và áp dụng
Ngày 21/2, tại Hà Nội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và môi trường, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Hoàn thiện Luật Đất đai để người dân nào đọc cũng hiểu và áp dụng
Quang cảnh hội nghị. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực. Có thể coi Luật Đất đai là đạo luật gốc trong quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết đúng chính sách pháp luật về đất đai không chỉ kiến tạo môi trường pháp lý ổn định minh bạch, kiến tạo nên nguồn lực mà góp phần đảm bảo quốc phòng, chính trị an toàn , góp phần phát triển bền vững bảo vệ môi trường, cũng như quyền lợi chính đáng của người dân và đặc biệt chính là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, Luật đất đai đã được Quốc hội đã cho phép tổ chức lấy ý kiến nhân dân,  ông mong muốn các ý kiến đi thẳng vào các chương, điều nào chưa chặt chẽ, khoa học, khả thi đối với chính sách mà nghị quyết Trung ương ban hành thì tập trung góp ý để làm sao chính sách đó được thể chế một cách đầy đủ, đủ điều kiện pháp lý thực hiện và người dân nào đọc cũng hiểu và áp dụng thực hiện.

"Đối với quyền sử dụng đất, sở hữu đã được Hiến pháp hiến định và cho đến nay triển khai không gặp vấn đề gì khó khăn. Những vấn đề gì không trong quy định của Đảng, Hiến pháp thì không đề cập, cần có nghiên cứu, có thực tiễn và thời gian", Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Phan Trung Lý, Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và xã hội cho rằng, cần rà soát kỹ hơn để các quy định của Luật đất đai lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả quy định tại Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”. Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai.

Điều đó cũng có nghĩa phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.

Theo ông Lý, Dự thảo lần này chưa làm rõ được cơ sở pháp lý của chủ sở hữu đất đai, mối quan hệ giữ chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu. Theo quy định của Hiến pháp thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Luật Đất đai phải quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu đó.

Quyền hạn nào phải của toàn dân với tư cách chủ sở hữu quyết định (thông qua việc trưng cầu ý dân); quyền hạn nào chủ sở hữu được ủy quyền cho người đại diện thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ với cơ quan nhà nước khác với tư cách là đại diện cho chủ sở hữu đất đai cũng phải được làm rõ. Cơ chế kiểm tra giám sát và vai trò của các tổ chức đoàn thể của nhân dân, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phải được làm rõ.

Liên quan đến tài chính và giá đất, ông Lý nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay, vì thế quy định trong Dự thảo cần được gia cố thêm. Cụ thể, cần thể hiện rõ trong luật yêu cầu có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW.

Ông Đặng Đình Luyến, ĐBQH khóa XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, theo Điều 225 của dự thảo luật quy định “Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại”.

Trong điều kiện thực tiễn hiện nay ở Việt Nam mà dự thảo luật đất đai lần này chỉ giao cho Tòa án nhân dân, Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp đất đai, mà không giao cho Ủy ban nhân dân giải quyết như trước, là không phù hợp, không khả thi và sẽ kéo dài thời gian giải quyết, mất nhiều thời gian, kinh phí cho các bên tham gia giải quyết.

Theo ông Luyến, số lượng các tranh chấp đất đai hiện nay rất nhiều, chiếm một số lượng rất lớn trong xã hội, nếu nay giao hết cho Tòa án nhân dân giải quyết, thì sẽ không bảo đảm tính khả thi, vì đội ngũ thẩm phán, cán bộ của Tòa án nhân dân các cấp hiện nay còn hạn chế về số lượng, chất lượng.  Thực tiễn cho thấy có nhiều tranh chấp đất đai giao cho cơ quan quản lý nhà nước (Ủy ban nhân dân) giải quyết thì hợp lý, hiệu quả hơn, vì các cơ quan này trực tiếp quản lý, giao đất, cho thuê đất, thanh tra, kiểm tra… nên họ nắm rất chắc tình trạng mảnh đất có tranh chấp, các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai và từ đó đưa ra phương án giải quyết hợp lý, chính xác, thuyết phục, sẽ được các bên dễ chấp nhận", ông Luyến nêu.

"Tôi đề nghị nên quy định cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng là khi có tranh chấp thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tranh chấp tổ chức hòa giải, nếu hòa giải không thành thì tùy theo tính chất, mức độ tranh chấp mà giao cho Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết; trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết của Ủy ban nhân dân, thì có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp giải quyết (lần 2) hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự", ông Luyến đề xuất.

ThS. Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, về giá đất (từ Điều 153 đến Điều 158), để xác định giá đất theo giá thị trường đối với vùng nông thôn miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cần làm rõ một số yếu tố có tính đặc thù tác động đến việc thực hiện như bất lợi của yếu tố tự nhiên, địa hình, kinh tế chậm phát triển, người dân còn khó khăn, thu nhập thấp, các đơn vị về giá đất còn ít, năng lực hạn chế…

"Để khắc phục những hạn chế trong việc xây dựng giá đất thời gian qua và để thực hiện theo quy định mới bảo đảm chặt chẽ, phù hợp, dự thảo Luật hoặc văn bản dưới Luật cần quy định cụ thể về xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đất đai đến cơ sở xã và thường xuyên cập nhật thông tin về các giao dịch về đất đai, nhất là các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, làm cơ sở cho việc xác định giá đất. Đồng thời, xây dựng giá đất trên cơ sở giá trị đất đai theo khả năng sinh lời trong điều kiện sản xuất bình thường có hạ tầng, thị trường, không xác định theo  hiện trạng sản xuất tại thời điểm của vùng/xã/huyện đó, nhất là khu vực kinh tế xã hội  đồng bào khó khăn", ông Hương góp ý.

Đại diện Hội đồng Dân tộc kiến nghị thêm, giá đất cần phải gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các khu vực được quy hoạch cần được xác định rõ về vị trí, diện tích, loại đất và dự kiến các tác động vào giá đất tăng khi thực hiện dự án đầu tư; đồng thời các dự án đầu tư phải được thực hiện đúng tiến độ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Đồng thời, thực hiện đầy đủ, thực chất việc lấy ý kiến của người dân khi thực hiện quy trình xây dựng giá đất, nhất là các khu vực dự kiến có dự án đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo Báo Tin tức

Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-sach-moi/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-hoan-thien-luat-dat-dai-de-nguoi-dan-nao-doc-cung-hieu-va-ap-dung-20230221160918461.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.28966 sec| 671.219 kb