Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Phòng thủ dân sự là bộ phận quan trọng của phòng thủ quốc gia

Phòng thủ dân sự là bộ phận quan trọng của phòng thủ quốc gia
Phát biểu góp ý về Luật Phòng thủ dân sự chiều 1/11, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc xây dựng Luật là rất cần thiết dựa trên cả 3 cơ sở: Chính trị, pháp lý và thực tiễn. Ở nước ta, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ các biện pháp ứng phó theo cấp độ phòng thủ dân sự, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện.

Phòng thủ dân sự là bộ phận quan trọng của phòng thủ quốc gia
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Lê Quang Đạo phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trình bày Tờ trình dự thảo Luật Phòng thủ dân sự trong phiên thảo luận chiều 26/10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, phòng thủ dân sự có phạm vi rộng, bao gồm tổng thể các hoạt động chuẩn bị từ thời bình và khi có chiến tranh, thảm hoạ, sự cố xảy ra để chủ động bảo đảm an toàn, khắc phục thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Các quy định về phòng thủ dân sự liên quan đến quyền con người, quyền công dân và cần phải được quy định bằng văn bản luật để bảo đảm nguyên tắc hiến định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, quốc gia, trật tự, an toàn , đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh, việc xây dựng Luật nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lê Quang Đạo (Phú Yên) cho rằng: Phòng thủ dân sự là bộ phận phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, thiên tai; phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai; dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

“Đối chiếu với thực tiễn cho thấy, công tác phòng thủ dân sự những năm qua luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tổ chức hoạt động ứng phó sự cố, thảm họa đạt được nhiều kết quả đáp ứng một phần yêu cầu công tác phòng thủ dân sự và phòng thủ quốc gia. Tuy nhiên hoạt động phòng thủ dân sự thời gian qua còn tồn tại không ít hạn chế, yếu kém từ cơ chế, chính sách, pháp luật; sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phối hợp công tác giữa các bộ, ngành, địa phương; hoạch định kế hoạch, biện pháp tổ chức thực tiễn ứng phó với sự cố, thảm họa,… làm hạn chế đến hiệu quả công tác phòng thủ dân sự”, đại biểu Lê Quang Đạo nêu ý kiến.

Đại biểu Lê Quang Đạo cho rằng, tình hình mới trên thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định, bao hàm trong đó có vấn đề thuộc phòng thủ dân sự. Việc đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố nhiều hơn, cấp độ cao hơn. Nước ta hiện đang nằm trong một số nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Tình hình đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn đối với công tác phòng thủ dân sự, đòi hỏi phải hoàn thiện cơ sở pháp lý để tích cực, chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với sự cố, thảm họa xảy ra, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự, đồng thời nhấn mạnh, việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân…

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết: Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng tại các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng thủ dân sự, như: Nghị quyết số 28 ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Nghị quyết số 22 ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã chỉ rõ “khẩn trương xây dựng Luật Phòng thủ dân sự; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong tình hình mới”.

Những năm qua, công tác phòng thủ dân sự đã góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ các biện pháp ứng phó theo cấp độ phòng thủ dân sự dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện.

Nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, quy định hoàn chỉnh các khái niệm; Làm rõ hơn tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm và tính chất đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố; Rà soát, làm rõ cơ sở để xây dựng các nội dung về cấp độ phòng thủ dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cũng cho biết, UBQPAN đề nghị quy định rõ hơn về lực lượng phòng thủ dân sự và luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định, tránh giao Chính phủ quy định chi tiết nhiều nội dung;  quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức cá nhân phải bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với pháp luật hiện hành, đồng thời thể hiện được vai trò chủ động phòng, chống các thảm họa, sự cố và sự hỗ trợ của Nhà nước, xã hội…  

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự được thiết kế gồm 7 chương, 71 điều.

Trên cơ sở các chính sách được thông qua, dự thảo Luật được xây dựng với các nội dung cơ bản về: Hoạt động phòng thủ dân sự; Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự; Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; Nguồn lực, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự; Quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự…

Theo đó, dự thảo Luật quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự là tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự. Cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn. Việc hợp nhất này cũng được thực hiện tương ứng với cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự ở cấp Bộ, ngành Trung ương và các cấp địa phương.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/phong-thu-dan-su-la-bo-phan-quan-trong-cua-phong-thu-quoc-gia-20221101161334609.htm 

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.28705 sec| 659.031 kb