Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Quản lý, sử dụng đúng số biên chế đã được Bộ Chính trị phê duyệt

Quản lý, sử dụng đúng số biên chế đã được Bộ Chính trị phê duyệt
Trước tình hình một số địa phương đề nghị được chủ động quyết định biên chế khi tự chủ cân đối ngân sách, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương thực hiện quản lý, sử dụng đúng số biên chế đã được Bộ Chính trị phê duyệt và Ban Tổ chức Trung ương giao.

Quản lý, sử dụng đúng số biên chế đã được Bộ Chính trị phê duyệt
Cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tại Bộ phận một cửa phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh minh họa: Minh Nghĩa/TTXVN

Bộ Nội vụ cho biết, theo Điều 2 Quy định số 70-QĐ/TW của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo quản lý biên chế trong hệ thống chính trị; tổng biên chế của hệ thống chính trị được quyết định theo nhiệm kỳ 5 năm và khi cần thiết. Theo đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW phê duyệt biên chế giai đoạn 2022-2026 của từng địa phương và giao Ban Tổ chức Trung ương quyết định giao biên chế hằng năm cho từng địa phương trên cơ sở số biên chế Bộ Chính trị đã phê duyệt. Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương thực hiện quản lý, sử dụng đúng số biên chế đã được Bộ Chính trị phê duyệt và Ban Tổ chức Trung ương giao nêu trên.

Trước đó, tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu cơ chế đối với các địa phương tự chủ cân đối ngân sách được chủ động quyết định biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước và số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương.

Cũng liên quan đến vấn đề biên chế, Hà Nam cho biết, địa phương này được giao biên chế công chức thấp nhất cả nước, số lượng người làm việc được giao thấp chưa thể đáp ứng được nhu cầu, định mức quy định, trong khi tỉnh vẫn phải thực hiện lộ trình tinh giản giai đoạn 2022-2026 theo quy định. Tỉnh Hà Nam đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện bổ sung biên chế công chức, người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước cho tỉnh để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

Theo Bộ Nội vụ, tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải thực hiện, bảo đảm giai đoạn 2022-2026 giảm ít nhất 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 (không bao gồm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp) theo Kết luận số 28-KL/TW và Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị.

Tại Quy định số 70-QĐ/TW và Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã giao Ban Tổ chức Trung ương trực tiếp quản lý biên chế các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương (bao gồm cả biên chế của chính quyền địa phương). Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương trực tiếp quản lý biên chế được giao, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai giao biên chế cho các cơ quan, địa phương, đơn vị bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định. Do đó, trường hợp cần thiết bổ sung biên chế do thành lập tổ chức mới, được cơ quan có thẩm quyền giao thêm nhiệm vụ mới, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Hà Nam Ban Thường vụ Tỉnh ủy để có ý kiến đối với Ban Tổ chức Trung ương về việc bổ sung biên chế công chức theo quy định.

Ngoài ra, để thực hiện được mục tiêu tinh giản biên chế, đồng thời bảo đảm đủ số lượng người làm việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tỉnh cần đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp để cân đối biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, bảo đảm đáp ứng yêu cầu công việc và không vượt quá tổng số biên chế được giao.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, trường hợp số biên chế được giao (bao gồm số hưởng lương từ ngân sách nhà nước và hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp) chưa đủ theo định mức quy định thì căn cứ Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp tỉnh xác định số biên chế còn thiếu so với định mức quy định, trình HĐND cùng cấp quyết định số lượng người ký kết hợp đồng lao động không quá 70% số biên chế còn thiếu.

Để việc quản lý biên chế giai đoạn 2022-2026 thực hiện đúng quy định của pháp luật, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã đề xuất việc điều chuyển biên chế viên chức làm việc tại các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước thành biên chế công chức của bộ, ngành, địa phương. Bộ Nội vụ đã có báo cáo về kết quả thực hiện quản lý biên chế giai đoạn 2016-2021 và đề xuất biên chế giai đoạn 2022-2026 của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khối Chính phủ quản lý.

Ngày 24/4 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đã họp thống nhất việc điều chuyển biên chế theo hướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, các bộ, ngành, địa phương rà soát số biên chế viên chức được giao đảm nhiệm vị trí việc làm công chức tại thời điểm 31/5/2024 trong các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước để đề xuất điều chuyển thành biên chế công chức; báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định. Bộ Nội vụ cho biết, sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến sẽ làm cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/quan-ly-su-dung-dung-so-bien-che-da-duoc-bo-chinh-tri-phe-duyet-20240708122045728.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.24916 sec| 646.953 kb