Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Quốc hội ban hành Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Quốc hội ban hành Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký Nghị quyết số 174/2024/QH15 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội ban hành Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Quốc hội thông qua 18 luật, 21 Nghị quyết

Nghị quyết nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua 18 luật, gồm: Luật Di sản văn hóa; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Công đoàn; Luật Công chứng; Luật Phòng không nhân dân; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Đầu tư công; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Dữ liệu; Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Đồng thời, Quốc hội thông qua 21 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật.

Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã cơ bản hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - và ngân sách nhà nước năm 2024.

Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và 5 năm 2021 - 2025. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong các Báo cáo, Tờ trình của Chính phủ đã trình Quốc hội.

Kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"

Theo Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

Trình ban hành, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội về đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình lập pháp, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định lâu dài, minh bạch, dễ tiếp cận, thích ứng với sự biến động của thực tiễn, mang tính hệ thống và chặt chẽ, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa và phát triển.

Đồng thời, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, của cơ quan chủ trì trong từng khâu của quy trình. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong văn bản quy phạm pháp luật theo đúng Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật;

Khẩn trương nghiên cứu, sớm sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa định hướng đổi mới trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tính kịp thời chủ động, sáng tạo của các chủ thể có liên quan; chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng khung khổ pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định, nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển đất nước trong những năm tiếp theo. 

Tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng một số nhóm hàng hóa, dịch vụ

Nghị quyết nêu rõ, tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025. 

Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội quyết định; chấm dứt ngay hiệu lực của quy định miễn thuế giá trị gia tăng trong Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hóa vào Việt Nam.

Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Quốc hội đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cụ thể:

a) Điều chỉnh quy mô, thời gian thực hiện Giai đoạn 1 quy định tại khoản 6 Điều 2 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội như sau: “Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 02 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm 2026 hoàn thành và đưa vào khai thác”. Cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Giai đoạn 1 của Dự án theo thẩm quyền mà không phải Quốc hội thông qua. Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội;

b) Điều chỉnh quy mô Giai đoạn 1 quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội như sau: “Đầu tư xây dựng 02 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm”. Các nội dung khác tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 95/2019/QH14 của Quốc hội.

Bổ sung 55.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cải cách tiền lương để thực hiện mức lương cơ sở mới

Quốc hội đồng ý bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương để thực hiện mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể:

Bổ sung 55.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách trung ương vào dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024, đồng thời bổ sung tương ứng vào dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó: 

- Bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an như Tờ trình số 54/TTr-CP ngày 25 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ;

- Số còn lại trong phạm vi nguồn 55.000 tỷ đồng sau khi đã bổ sung cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 2.980 tỷ đồng trong cân đối ngân sách nhà nước năm đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 105/2023/QH15, giao Chính phủ quyết định bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương năm 2024 cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương như Tờ trình số 54/TTr-CP của Chính phủ. Chính phủ khẩn trương thực hiện phân bổ nhiệm vụ chi này cho các Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm tính kịp thời.

Theo Báo Chính phủ

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.36022 sec| 666.156 kb