Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Quốc hội tập trung cho công tác xây dựng pháp luật

Quốc hội tập trung cho công tác xây dựng pháp luật
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, ngày 22/6, Quốc hội dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.

Thảo luận hai dự án Luật

Quốc hội tập trung cho công tác xây dựng pháp luật
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh phát biểu ý kiến, sáng 22/6. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong ngày làm việc, Quốc hội thảo luận hai dự án Luật là Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Căn cước. 

Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho rằng, sau 12 năm thực hiện, Luật Viễn thông hiện hành đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, bộc lộ sự lạc hậu so với thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Viễn thông năm 2009 là hết sức cần thiết.

Về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, mục tiêu của dịch vụ viễn thông là hỗ trợ cho người nghèo, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; hỗ trợ một số dự án xây dựng công trình hạ tầng viễn thông… nhằm giảm bớt sự chênh lệch khoảng cách số giữa các vùng miền, đáp ứng cam kết của Việt Nam về quản lý nhà nước dịch vụ viễn thông công ích khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới, phù hợp với xu hướng của các nước.

“Vì vậy, cần thiết tiếp tục duy trì quỹ dịch vụ viễn thông công ích”, đại biểu Sùng A Lềnh nhấn mạnh.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây thực tế là quỹ dịch vụ phổ cập. Các quốc gia trên thế giới đều có mục tiêu phổ cập viễn thông, internet, phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và phát triển kinh tế số, số.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, vận hành của quỹ có bất cập như giải ngân chậm, tồn quỹ. Do đó, thay vì dừng hoạt động cần điều chỉnh quy định trong dự thảo luật theo hướng xác định rõ mục tiêu, cách thức thu, quản lý sử dụng để quỹ hoạt động tốt hơn. Bởi ngoài việc phủ sóng vùng khó khăn, quỹ dịch vụ phổ cập còn hỗ trợ bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thiết bị và chi phí sử dụng dịch vụ ở mức cơ bản. Các chương trình giảm nghèo của nhà nước đều dùng quỹ này để hỗ trợ bà con.

Đề xuất Quốc hội xem xét duy trì quỹ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ Chính phủ để đổi tên thành Quỹ dịch vụ phổ cập và thay đổi một số cơ chế nhằm khắc phục tồn tại, khó khăn; đồng thời gửi các đại biểu bổ sung báo cáo về hoạt động của Quỹ trong thời gian qua.

Quốc hội tập trung cho công tác xây dựng pháp luật
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, sáng 22/6. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước, các đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

Liên quan đến các chủ thể được khai thác thông tin (Điều 11), dự thảo Luật quy định: Các chủ thể được khai thác thông tin gồm các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), các thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất rộng, ví dụ số của công dân nếu không được quản lý phù hợp sẽ gây phiền cho công dân. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nên mục đích và phạm vi khai thác là khác nhau. Chẳng hạn, cơ quan chỉ có nhu cầu khai thác thông tin liên quan đến giấy phép lái xe, còn các cơ quan địa chính chỉ có nhu cầu khai thác thông tin liên quan đến đất đai, nhà cửa của công dân.

"Dự thảo Luật chỉ quy định các chủ thể khai thác thông tin mà lại không quy định phạm vi khai thác thông tin và giao cho Chính phủ quy định. Các thông tin liên quan trực tiếp đến cá nhân công dân và cả những thông tin liên quan đến riêng tư của công dân. Tôi đề nghị quá trình chỉnh lý phải rà soát, quy định cụ thể ngay trong Luật phạm vi khai thác của các chủ thể, bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ", đại biểu nêu.

Thông qua một số luật, nghị quyết

Quốc hội tập trung cho công tác xây dựng pháp luật
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 8 chương, 53 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Theo đó, chính sách phát triển giao dịch điện tử nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tự nguyện lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử; tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ, phương tiện điện tử, chữ ký điện tử, hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch điện tử, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023. Luật quy định: Sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; trường hợp không còn đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.

Đáng chú ý, Luật được Quốc hội thông qua sửa đổi, bổ sung hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan, sĩ quan công an. Cụ thể, Hạ sĩ quan 47 tuổi; Cấp úy 55; Thiếu tá, Trung tá (nam 57, nữ 55); Thượng tá (nam 60, nữ 58); Đại tá (nam 62, nữ 60); Cấp tướng (nam 62; nữ 60).

Trong ngày làm việc, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, Quốc hội quyết nghị phân bổ 13.369,468 tỷ đồng số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các bộ, cơ quan rung ương và địa phương để thực hiện các dự án đủ thủ tục đầu tư, đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, giao kế hoạch vốn cho các dự án theo đúng quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Luật Đầu tư công. Không thực hiện phân bổ 509,217 tỷ đồng số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” cũng được biểu quyết thông qua chiều 22/6 với tỷ lệ tán thành cao.

Phạm vi giám sát là việc thực hiện Nghị quyết 43/2023/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: từ khi ban hành Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023 trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia (Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1): từ khi ban hành Nghị quyết đến ngày 31/12/2023 theo từng dự án cụ thể.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” với 452/458 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 91,5% tổng số đại biểu Quốc hội).

Mục đích giám sát nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/quoc-hoi-tap-trung-cho-cong-tac-xay-dung-phap-luat-20230622203654426.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.45898 sec| 669.984 kb