Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Quy định rõ trách nhiệm hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản

Quy định rõ trách nhiệm hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản
Hội nhập và hợp tác quốc tế là một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó quy định rõ về nguyên tắc, trách nhiệm trong hội nhập và hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản.

Quy định rõ trách nhiệm hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản
Một góc mỏ khai thác than lộ thiên của Công ty CP than Hà Tu (Quảng Ninh). Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cũng quy định trách nhiệm trong hội nhập và hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản gồm: Nhà nước khuyến khích việc chủ động hội nhập quốc tế về nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực điều tra cơ bản địa chất, kiểm soát hoạt động khoáng sản và áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác, chế biến khoáng sản. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân chủ động thực hiện các yêu cầu, điều kiện và tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản được quốc tế công nhận và áp dụng rộng rãi để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thương mại quốc tế.

Theo ông Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), không chỉ được quy định trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản còn được đề cập nhiều lần trong Quyết định số 334/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Quyết định này, để hoàn thiện hệ thống pháp luật về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, cần hoàn thiện chính sách khuyến khích hợp tác, đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác, chế biến khoáng sản nhằm làm chủ công nghệ tiên tiến chuyển giao từ các nước phát triển, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước tiên tiến về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, nhất là đối với những khoáng sản quan trọng, nhằm tăng dự trữ khoáng sản trong nước.

Quyết định cũng nêu rõ, để tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại và hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học tập trong nghiên cứu, điều tra không gian ngầm, điều tra các khoáng sản ẩn sâu, điều tra di sản địa chất, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản và quản trị tài nguyên khoáng sản... Để tổ chức thực hiện Chiến lược, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra không gian ngầm, điều tra khoáng sản ẩn sâu, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản và quản trị tài nguyên khoáng sản; hợp tác nghiên cứu công nghệ khai thác than nâu vùng đồng bằng sông Hồng.

Tiến sỹ Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Giang đánh giá, việc quy định các nguyên tắc hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản như tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Dự thảo Luật là rất cần thiết. Tuy nhiên, nội dung Dự thảo Luật quy định về các nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về địa chất và khoáng sản là chưa chính xác, đầy đủ, đúng với quan điểm quy định tại Điều 12 của Hiến pháp 2013, đó là: “… Hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa chủ nghĩa Việt Nam là thành viên …”.

Tiến sỹ Cao Hồng Kỳ đề nghị Cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung, sắp xếp lại nội dung tại điểm b khoản 1 Điều 6 Dự thảo Luật cho phù hợp như: “Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Theo TTXVN

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25214 sec| 646.75 kb